++ "THÀNH CÔNG CỦA BẠN SẼ CHẲNG CÓ NGHĨA LÝ GÌ KHI BẠN CHẲNG CÓ AI YÊU THƯƠNG ĐỂ CHIA SẺ! " ++

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

7 bước kiểm tra laptop mới trước khi sử dụng và phần mềm test

0 nhận xét

1. Kiểm tra tổng quát:

Khi một chiếc MTXT xuất xưởng, nó sẽ được kiểm tra khá kĩ lưỡng, tuy nhiên trong quá trình vận chuyển hoặc bảo quản ở các cửa hàng bán lẻ, rất nhiều mối đe dọa có thể xảy ra và gây xước xát hay thậm chí là nứt vỡ trên thân máy. Vì thế bạn hãy kiểm tra thật kĩ vỏ ngoài (không cần mở nắp). Chú ý phát hiện các vết xước trên nước sơn, kiểm tra các góc xem có bị va đập, kiểm tra phía dưới xem có bị lõm hay các nắp che (RAM, đĩa cứng, ổ quang) có bị lỏng lẻo hay không.

Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu bất thường, bạn cần liên hệ ngay nơi bán để được giải quyết. Đặc biệt ở thị trường Việt Nam, do máy thường được đóng thùng cẩn thận và được mua trực tiếp từ cửa hàng rồi chuyển đến khách hàng trong khoảng cách ngắn nên rất khó để các trục trặc xảy ra trong quá trình vận chuyển. Những dấu vết của tác động vật lý thường là do quá trình bảo quản máy không được tốt hoặc lỗi từ khi sản xuất.

2. Kiểm tra sơ bộ màn hình và bàn phím :

Sau khi đã hoàn tất kiểm tra “ngoại hình”, bạn mở nắp máy và xem xét kĩ màn hình xem có vết xước hay lõm nào không. Một số MTXT có bàn phím thiết kế không tốt có thể gây tì vết và tạo thành hình bàn cờ lên màn hình LCD do lực xóc trong quá trình vận chuyển. Nhiều hãng sản xuất như Apple, Dell, Toshiba, Sony…. thường kê một lớp lót giữa màn hình và bàn phím để đảm bảo an toàn . Song song với màn hình, bạn cũng xem xét bàn phím để đảm bảo các phím đều nằm đúng vị trí, không có phím nào bị kẹt, lỏng hoặc rơi ra ngoài. Chú ý không bỏ sót việc kiểm tra các phím điều khiển đa phương tiện – đặc biệt là các phím cảm ứng trên máy hiện đại.

3. Kiểm tra pin và phụ kiện đi kèm:

Thông thường, nhà sản xuất tặng kèm rất nhiều phụ kiện theo MTXT nhưng trong đó quan trọng nhất là pin và sạc nguồn AC đầu vào. Bạn hãy kiểm tra pin để đảm bảo không có dấu vết lạ nào (xước, móp), pin phải không có mùi lạ, các điểm tiếp xúc phải không bị vết xước kim loại (nếu là máy mới 100%). Một số loại pin như của Dell còn cho phép kiểm tra tình trạng (độ chai) của pin mà không cần mở máy bằng cách nhấn và giữ nút kiểm tra dung lượng trên pin trong vài giây (bạn nên xem tài liệu đi kèm để biết cách kiểm tra tương ứng của máy vừa mua). Đối với sạc nguồn, bạn kiểm tra đầu cắm xem có phù hợp với ổ điện trong nhà hay không (đặc biệt là đối với các máy mua từ nước ngoài về), nếu không, bạn sẽ phải mua đầu chuyển), chú ý xem xét dây dẫn để đảm bảo không có vết đứt hay dập nào. Các đầu cắm trên dây phải thật chắc chắn.

4. Kiểm tra quá trình vận hành của bàn phím, màn hình và pin:

Để thực hiện việc này, bạn cắm sạc, pin vào máy rồi khởi động. Sau khi hoàn tất các bước chuẩn bị của Windows và màn hình Desktop quen thuộc hiện ra, bạn hãy chuyển hình nền thành một màu rồi kiểm tra xem có điểm chết nào hay không. Lưu ý rằng một dòng MTXT thường có tấm LCD do nhiều nhà sản xuất khác nhau cung cấp, chất lượng của mỗi loại panel thường rất khác nhau (màu sắc, độ sáng, góc nhìn), nếu màn hình không đạt yêu cầu, bạn có thể yêu cầu đổi (nếu mua máy từ chính hãng).

Tiếp theo, bạn mở một trình soạn thảo văn bản nào đó (Notepad hoặc Microsoft Word) rồi kiểm tra từng phím để đảm bảo mọi chức năng đều hoàn hảo. Đối với pin, bạn hãy sạc đầy rồi dùng phần mềm kiểm tra pin chuyên dụng như Battery Meter để kiểm tra thời lượng sử dụng và dung lượng pin hiện hành. So sánh với số liệu ghi trên pin để biết tình trạng, lưu ý rằng thời gian sử dụng thường ngắn hơn so với những gì nhà sản xuất công bố. Bạn có thể để máy chạy liên tục cho tới khi hết pin để kiểm tra độ ổn định, nếu bị lỗi hoặc khởi động lại, có thể pin hoặc bộ nhớ RAM có vấn đề.

5. Kiểm tra các giao tiếp và ổ quang:

Trong Windows, bạn hãy kiểm tra các cổng bằng cách cắm thử các thiết bị ngoại vi. Trong số đó, đặc biệt cần chú ý là những cổng nào ít dùng (như ExpressCard hoặc Modem 56k) vì nhiều khi sau vài tháng dùng máy, bạn mới vô tình cần tới chúng và sẽ chẳng hay ho gì khi tới lúc đó mới biết nó có trục trặc. Bạn cũng không được quên kiểm tra USB, Bluetooth, Wifi… vì đây là những giao tiếp thường xuyên được sử dụng nhất. Riêng đối với ổ quang, do đa số các MTXT mới đều được trang bị DVD-RW nên bạn có thể mua một vài chiếc đĩa trắng để ghi thử bởi một số ổ có thể đọc đĩa rất tốt nhưng lại không ghi đĩa được. Ngoài ra, nếu máy có webcam, bạn cũng nên kiểm tra tình trạng hoạt động của nó bởi một số dòng máy với Windows Vista có những trục trặc khá “thông dụng”.

6. Kiểm tra đĩa cứng:

Bạn mở System Properties > Hardware Devices Manager và kiểm tra ổ cứng, các thông số trong này phải trùng với thông số mà nhà sản xuất thông báo. Trong đó, dung lượng ổ phải báo sát với mức chuẩn, ví dụ như ổ 320GB thường phải báo khoảng ~300GB trong hệ điều hành, dĩ nhiên con số thực tế sẽ không bao giờ đạt được tới mức tối đa 320GB do sự khác biệt về cách tính theo hệ nhị phân hoặc thập phân của nhà sản xuất đĩa cứng so với hệ điều hành. Tuy nhiên sự chênh lệch không được quá lớn.

7. Kiểm tra hệ điều hành:

Bước này tùy thuộc vào khả năng và nhu cầu của bạn, do đa số các loại MTXT đều được cài sẵn rất nhiều phần mềm dùng thử hoặc tiện ích linh tinh của nhà sản xuất nên chạy rất chậm. Việc cài mới hệ điều hành sẽ giúp bạn loại bỏ bớt những thức lỉnh kỉnh, tuy nhiên nó đòi hỏi khả năng cơ bản về máy tính. Nếu không tự tin để thực hiện quy trình này trong khi không ai có thể hỗ trợ được, bạn nên tìm vào Control Panel > Add/Remove Programs và gỡ bỏ bớt những thứ không cần thiết đi. Tiện nhất là bạn cài lại mới phiên bản Windows của riêng mình. Toàn bộ trình điều khiển và phần mềm cần thiết thường được cung cấp trên trang web của nhà sản xuất.

Nếu 7 bước được thực hiện qua mà không gặp phải trục trặc gì thì xin chúc mừng bạn, bạn đã có một chiếc MTXT vừa mới vừa tốt rồi đấy !.

(Nguồn: Xahoithongtin)


Một số phần mềm để kiểm tra phần cứng máy

1.Everest : kiểm tra tổng thể về phần cứng máy, xem các linh kiện có đúng với những gì mình chọn lựa không, có gì bị thay thế không (so sánh với thông kê linh kiện in trên vỏ hộp hoặc catalo đi kèm máy)

2.Checkemon : phần mềm kiểm tra chất lượng màn hình ( dùng mắt thường để phát hiện các vùng màu không đều, điểm chết trên màn hình..)

CheckeMON 1.1- Kiểm tra chất lượng màn hình trước khi mua 
Nguồn: Theo Thanh Niên 
Bạn hiện đang dùng một màn hình máy tính hay dự định mua một màn hình mới, cũng như các thiết bị khác chắc có lẽ bạn muốn biết coi nó còn tốt hay xấu. Nếu dùng mắt thường để nhìn thì sẽ không thể kiểm tra hết các chi tiết thể hiện của màn hình, bạn nên có một chương trình để làm điều này và CheckeMON là một lựa chọn hợp lý.

Ngoài tính dễ sử dụng, chương trình còn cung cấp nhiều mục kiểm tra và đặc biệt là bạn có thể dùng nó để kiểm tra di động.
Sau khi tải về, bạn giải nén vào một thư mục và chạy thẳng file thực thi chương trình mà không cần phải cài đặt (sau này bạn có thể chép file thực thi đó vào ổ đĩa di động và dùng nó để kiểm tra màn hình bất cứ nơi đâu).

Trong cửa sổ chương trình, bạn sẽ thấy các thông số được thiết lập mặc định về màn hình đang kiểm tra như Resolution (độ phân giải), Color Depth (độ sâu màu) và Refresh Rate (tốc độ quét). Bạn tiến hành kiểm tra màn hình bằng cách bấm vào từng mục (có gạch đích) dưới chữ TESTS, để ngừng kiểm tra thì nhấn phím Esc.

Tổng cộng có 10 mục kiểm tra và cách để xác định chất lượng của màn hình qua từng mục như sau:

- Solid Colors (màu đặc) : màn hình sẽ hiện từng màu duy nhất như đỏ, xanh, ... Bạn hãy để ý kỹ từng điểm màu ở mọi vị trí xem màu có bị biến dạng hay không. Nếu từng điểm màu đều thể hiện một màu duy nhất thì chứng tỏ màn hình tốt. Để kiểm tra cho các màu khác thì hãy bấm cuột vào màn hình.

- Convergence Dots (các điểm hội tụ) : một lưới các điểm màu trắng sẽ hiện lên màn hình trên nền đem. Nếu bạn thấy rõ màu các điểm và xung quanh mỗi điểm không có những màu nào khác hiện ra thì chứng tỏ màn hình tốt.

- Convergence Lines (các đường hội tụ) : hiện một khung lưới với hai vòng tròn đồng tâm và hai đường chéo đi qua tâm. Nếu bạn thấy rõ màu mỗi đường (màu trắng duy nhất) và các đường không bị lồi lõm là tốt.

- Color Gradients (màu đổ dốc) : thể hiện từng màu theo dạng trải từ sáng tới tối. Nếu các bước màu chuyển tiếp liên tục không bị nhoè hay mất thì là ok.

- Color Spectrum (màu quang phổ) : thể hiện ba màu chính theo dạng quang phổ. Bạn hãy để ý nếu các màu thể hiện mượt mà, không bị ngắt khúc giữa mỗi màu là tốt.

- Geometry (sơ đồ) : gồm 5 vòng tròn (1 lớn ở giữa và 4 nhỏ ở mỗi góc màn hình). Màn hình tốt khi các vòng tròn nhìn thật tròn, nằm chính xác ở giữa và mỗi góc, không bị sai lệch vị trí. Bạn có thể điều chỉnh thêm các nút trên màn hình để kiểm tra cho chính xác hơn.

- Moire Interference (giao thoa moire) : màn hình sẽ hiện đầy các điểm màu bạc. Nếu các điểm không rời rạc hay bị mất là tốt. Bạn nên kiểm tra kỹ chức năng này trên các màn hình CRT.

- Crosstalk (nhiễu) : thể hiện các khung màu đen trắng. Màn hình tốt khi các đường kẻ mỗi khung không bị lem màu khác hay bị uốn khúc.

- Power Supply (nguồn điện) : chỉ dùng mục này để kiểm tra các màn hình CTR. Kiểm tra xem màn hình có được cung cấp nguồn điện đầy đủ hay không, nếu không màn hình sẽ bị méo mó khi khung hình hiển thị chớp tắt.

- Phase (độ lệch pha) : dùng mục này để kiểm tra các màn hình LCD. Màn hình tốt nếu khung hình không bị lệch qua lại so với việc hiển thị hình ảnh thông thường.

Nguồn : vozforum.com

...............................................................................................................................................................

Những phần mềm kiểm tra Laptop miễn phí

Bạn đang băn khoăn chiếc laptop của mình hiện "sức khỏe" ra sao, hoặc bạn mua một chiếc laptop hàng đã xài rồi nhưng lại không rõ máy vẫn còn tốt hay không? Với các phần mềm được giới thiệu dưới đây, bạn có thể yên tâm phần nào trong việc kiểm tra máy trước khi mua về, tránh trường hợp "tiền mất tật mang". Đặc biệt, tất cả chúng đều miễn phí để tải về và sử dụng
Dead Pixel Tester (DPT)
Kiểm tra điểm chết (dead pixel) trên màn hình cũng là một nhân tố quan trọng trong việc xác định laptop có còn sử dụng được lâu dài hay không. Nhưng một số điểm chết đôi khi lại trùng màu với hình nền nên bạn cần một phần mềm chuyên dụng cho việc kiểm tra các điểm chết. Dead Pixel Tester là phần mềm có chức năng kiểm tra điểm chết bằng việc áp dụng các màu nền khác nhau trên toàn màn hình giúp cho bạn dễ dàng phát hiện điểm chết. Không những thế, DPT còn có thể áp dụng một phương thức "cưỡng bức" lên điểm chết bằng cách thay đổi màu liên tục lên một khu vực được chọn để điểm chết đó hiển thị màu chính xác trở lại.
DPT có dung lượng tí hon (272KB) và chạy không cần cài đặt, bạn có thể tải về từ địa chỉ http://tip4pc.com/IZ..

AIDA32 
Các thông số mà phần mềm này thể hiện rất chi tiết, như các mức độ phân giải mà màn hình LCD của máy có thể hiển thị, địa chỉ vật lý của card mạng hay mã của chip âm thanh. Bên cạnh các thông tin về phần cứng, AIDA32 cũng cho bạn biết các thông tin về phần mềm như số lượng và tên các ứng dụng chạy ở chế độ khởi động, thông tin về DirectX, về hệ điều hành Windows...
Tiện ích miễn phí này có dung lượng 2,9MB, tải về từ địa chỉ http://tip4pc.com/zb.

Notebook Hardware Control (NHC)NHC có thể kiểm tra các thông số cơ bản của chiếc laptop như tốc độ vi xử lý, xung nhịp, thời lượng dùng pin... NHC còn có thể kiểm tra nhiệt độ của CPU, ổ cứng, GPU, các thông số này được cập nhật liên tục tại phần taskbar nên bạn luôn có thể soát được hiện trạng của máy. Không những thế, phần mềm này còn giúp bạn có thể overclock hoặc underclock chiếc laptop thông qua các tùy chỉnh đơn giản. Tuy nhiên, trước khi sử dụng tính năng này, bạn cần phải có một số kiến thức về overclock để không làm hư chiếc máy của mình.
NHC có dung lượng 2,2MB, tải về từ địa chỉ http://tip4pc.com/z3.

Battery Meter
Hầu hết pin của laptop sử dụng lâu ngày đều bị giảm lượng điện năng có thể tích trữ được. Nguyên nhân một phần do "tuổi thọ" và còn do cả cách sử dụng bảo quản pin có hợp lý hay không. Battery Meter sẽ giúp bạn kiểm tra thời lượng dùng pin của máy hiện tại, với các thông số được thể hiện gồm: phần trăm pin còn lại, thời gian sử dụng hết pin, thời gian sạc đầy pin (nếu đang cắm sạc), số lần sạc và sử dụng pin...
Phần mềm có dung lượng 765KB, bạn có thể tải về từ địa chỉ http://tip4pc.com/rG.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

» Cảm ơn bạn đã ghé qua blog và đọc bài viết.
» Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn hãy để lại một nhận xét.
» Nếu thấy bài viết hay hãy chia sẻ với những người quanh bạn.
» Rất cảm ơn những comment thiện ý.