++ "THÀNH CÔNG CỦA BẠN SẼ CHẲNG CÓ NGHĨA LÝ GÌ KHI BẠN CHẲNG CÓ AI YÊU THƯƠNG ĐỂ CHIA SẺ! " ++

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

Thế hệ trẻ học Bác Hồ từ năm cuộc thực hành lớn

0 nhận xét
Là một nhà khoa học, cũng là người có hàng chục năm tâm huyết nghiên cứu về tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh, Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Ủy viên thường trực Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng: Xuyên suốt cuộc đời 79 mùa xuân của Người có cả thảy 5 cuộc thực hành lớn mà thế hệ trẻ nên học tập để ứng dụng và phát triển, đặc biệt là đức tính tự học ở Bác.



- Sinh thời, Bác Hồ đã dành cho thế hệ trẻ sự quan tâm như thế nào, thưa Giáo sư?

Giáo sư Hoàng Chí Bảo: Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng lớn, nhà văn hóa kiệt xuất, tài năng đa diện, một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, người bạn lớn của nhân dân thế giới. Thế giới đánh giá Bác Hồ đến mức toàn thiện và toàn mỹ.

Khi Bác mất, trong hàng vạn bức điện, bức thư gửi chia buồn, đồng chí Fidel Castro khi đó là lãnh tụ Cuba đã viết: “Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc về một lớp người đặc biệt mà cái chết lại gieo mầm cho sự sống đời đời bất diệt.”

Và con người đặc biệt ấy đã dành cho thế hệ trẻ một tình cảm đặc biệt nhất, niềm tin yêu nhất. Bác kỳ vọng nhất ở tuổi trẻ. Bác luôn dành những lời đẹp đẽ nhất cho tuổi trẻ.

Bác nói: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của nhân loại.” Bác căn dặn tuổi trẻ một nghĩa vụ sâu sắc: “Thanh niên đừng bao giờ đòi hỏi Tổ quốc đem lại cho mình những gì mà phải tự hỏi: Mình phải làm gì cho Tổ quốc?” Bác cũng dành cho tuổi trẻ lời khuyên: “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên.”

Ngay cả trong Bản di chúc chỉ khoảng 1.000 từ mà Bác để tâm suy nghĩ suốt 4-5 năm liền, những dòng Bác nói về tuổi trẻ vô cùng sâu sắc và cảm động. Bác nhấn mạnh đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết.

Bác trù tính sau khi giải phóng xong miền Nam, đất nước thống nhất, cách mạng toàn thắng là phải đào tạo bồi dưỡng lớp trẻ vừa hồng vừa chuyên, để xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước, xây dựng đất nước giàu mạnh và hiện đại. Ngày nay, cơ hội đó đã đến. Chúng ta phải làm hết sức mình để thực hiện tâm nguyện của Người.

- Rất nhiều ý kiến cho rằng Bác Hồ là một tấm gương điển hình về sự tự học. Giáo sư có thể cho biết một vài dẫn chứng về tấm gương tự học của Bác?

Giáo sư Hoàng Chí Bảo: Cuộc đời Bác quả thực là tấm gương sinh động mẫu mực về sự học, chí lớn và hoài bão cho chúng ta noi theo.

Bác từng nói: “Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót. Học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng.” Bác Hồ nhờ tự học mà có một vốn học vấn uyên thâm khiến cả thế giới kinh ngạc. Một ví dụ nhỏ là việc học ngoại ngữ của Bác. Bác am hiểu 29 ngoại ngữ, trong đó, nhiều thứ tiếng Bác dùng như tiếng mẹ đẻ.

Nhận xét về tác phẩm “Nhật ký trong tù” được Bác viết bằng chữ Hán, nhà nghiên cứu văn hóa Trung Quốc nổi tiếng là Quách Mạt Nhược đã phải thốt lên: “Nếu không có lời chú thích thì có thể ngỡ là thơ Đường, thơ Tống”!

Việc tự học của Bác còn để lại dấu ấn trên những kỷ vật Người để lại. Khi Bác mất, chúng ta tìm thấy trên những trang trong cuốn Từ điển Việt Nam-Tây Ban Nha mà Bác học vào những năm tháng cuối đời (cả cuốn sổ tay của Người) ghi thêm những từ ngữ mới, thấy được những nét bút chì đánh dấu từng trang…

- Ở góc độ nhà nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, theo Giáo sư, thế hệ trẻ ngày nay cần học tập gì ở tấm gương đạo đức Bác Hồ?

Giáo sư Hoàng Chí Bảo: Nói đến tuổi trẻ là nói đến nghị lực, hoài bão, đến việc học tập. Vì thế, theo tôi, các bạn trẻ, từ từng cá nhân cho đến tổ chức Đoàn thanh niên phải học Bác ở đức tính tự học.

Xã hội hiện đại là xã hội học tập. Học là phải cốt nắm được phương pháp học tập độc lập, tự chủ và sáng tạo, gắn lý luận với thực tiễn để biết cách ứng xử với con người và công việc, để thực hiện cho được công cuộc đổi mới của đất nước mà Đảng đang kỳ vọng vào lớp trẻ.

Xuyên suốt cuộc đời 79 mùa xuân của Hồ Chí Minh có tất thảy 5 cuộc thực hành lớn mà tuổi trẻ nên ứng dụng.

Cuộc thực hành thứ nhất là thực hành lý luận gắn liền với thực tiễn. Thứ hai là thực hành dân chủ. Thứ ba là thực hành đoàn kết, đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, quy tụ sức mạnh về một mối, trong Đảng, trong dân, đoàn kết quốc tế. Thứ tư là thực hành về dân vận, là làm công tác xã hội. Thứ năm là cuộc thực hành xuyên suốt 79 mùa xuân của Người, đó là cuộc thực hành đạo đức cách mạng gói gọn trong 4 chữ: cần, kiệm, liêm, chính.

Lớp trẻ được sống trong thời kỳ đổi mới hôm nay, được thể hiện ý chí, bản lĩnh, tài năng sáng tạo của thanh niên trong bối cảnh hội nhập càng phải thành kính hơn nữa, thành kính mãi mãi với Bác. Ngày nay, thế hệ trẻ đang thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, suy cho cùng, chính là làm theo Bác 5 cuộc thực hành lớn đó.

Xin cảm ơn giáo sư!

Mạnh Minh (Báo Tin Tức/Vietnam+)


http://youtu.be/22pof7_3Pn4

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

» Cảm ơn bạn đã ghé qua blog và đọc bài viết.
» Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn hãy để lại một nhận xét.
» Nếu thấy bài viết hay hãy chia sẻ với những người quanh bạn.
» Rất cảm ơn những comment thiện ý.