(Dân trí) - Trên con đường từ một cậu bé nghèo lên vị trí người giàu nhất thế giới, Carlos Slim mang trong mình suy nghĩ, tài năng và cách hành động khác người.
Tỷ phú Carlos Slim (ảnh: The gleaner)
Triết lý “vườn cây ăn trái”
Slim có một triết lý đơn giản về chuyện kiếm tiền. “Sự giàu có giống như một vườn cây ăn trái”, ông nói: “Anh phải làm cho cái vườn đó lớn lên, rộng ra, phát triển sang cả những khu khác nữa”.
Tỷ phú Carlos Slim đã thể hiện khả năng kinh doanh của mình từ khi còn là một đứa trẻ 10 tuổi. Ông kiếm được rất nhiều peso từ bán đồ uống và đồ ăn nhẹ. Ông còn thể hiện khả năng quản lý tiền tốt khi biết ghi chép các khoản tiền kiếm được và mua trái phiếu chính phủ.
Ông là con người có lối sống tiết kiệm. Cha ông chính là người đã dạy ông bài học kinh doanh đầu tiên. Cha ông tên Slim Haddad, người Li băng di cư đến Mêhicô đầu thập niên 1990 và mở cửa hàng bách hóa. Ông Slim cha đã mua nhiều tài sản giá thấp trong thời gian Mêhicô có chiến tranh. Slim con đã biết nhìn thấy cơ hội trong khủng hoảng.
Năm 15 tuổi, ông mua được 44 cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất Mêhicô và có khoảng 5.523 peso. Đến năm 17 tuổi, ông đã tăng được gấp 6 lần số tiền mà mình có. Ông tự nhận mình có khả năng đặc biệt với các con số và quyết toán cực kỳ chính xác.
Năm 1987 thời kỳ Mêhicô khủng hoảng, ông mua khá nhiều cổ phiếu và khi kinh tế phục hồi, giá cổ phiếu tăng và ông bán đi, kiếm lời lớn.
Tại Mêhicô, ông sở hữu đế chế kinh doanh lớn bao gồm cửa hàng, hãng viễn thông, khách sạn, nhà hàng và cả ngân hàng. Người Mêhicô thường nói với nhau khó có thể có ai sống một ngày tại đất nước này mà không trả đồng nào cho Carlos Slim. Ông hiện đang sở hữu cổ phần tại tập đoàn bán lẻ Sak và báo Nytimes.
Thập niên 1990, công việc kinh doanh của ông lên như “diều gặp gió” khi ông biết nhìn thấy cơ hội từ công ty viễn thông nhà nước Telmex với 1,7 tỷ USD. Ông đã đưa Telmex thành “con gà đẻ trứng vàng”. Ông tiến đến xây dựng America Movil và tiến hành sáp nhập để xây dựng hãng viễn thông không dây lớn thứ 4 thế giới.
Năm 1990, Nhà nước Mexico quyết định tư nhân hóa công ty điện thoại và viễn thông quốc gia. Chẳng phải là một chuyên gia kỹ thuật - thậm chí ông còn không biết tiếng Anh và cũng không biết dùng máy tính, nhưng Carlos Slim đã gom hết vốn liếng của mình để lao vào đấu thầu.
Với 1,7 tỷ USD, Carlos Slim đã mua gần như toàn bộ số cổ phiếu của tập đoàn. Cách nay 14 năm, khi mua 1 cổ phiếu của Telmex, Carlos Slim chỉ bỏ ra có 0,8 cent. Còn giờ, giá cổ phiếu của Telmex trên thị trường chứng khoán là 34 USD. Vào thời điểm hiện tại, giá trị cả tập đoàn được các công ty kiểm toán độc lập định giá là từ 10 cho đến 12 tỷ USD.
Texmex là một trong những tập đoàn viễn thông đầu tiên trên thế giới có ngay dịch vụ Internet ADSL phục vụ khách hàng. Kề ngay sau những chiến dịch quảng cáo rầm rộ, Carlos Slim tiếp tục làm các đối thủ cạnh tranh giật nẩy người khi ông tuyên bố cung cấp miễn phí Internet cho thanh thiếu niên.
American Movil hiện có hơn 200 triệu khách hàng khắp từ Braxin đến Mỹ. 3 người con trai của ông hiện đang điều hành tập đoàn tuy nhiên vẫn chịu sự kiểm soát của ông và đóng vai trò như đại diện truyền thông.
Dù nắm khối tài sản lớn nhất thế giới, ông vẫn giữ phong cách sống giản dị. Ông sống trong 1 năm nhà suốt 40 năm nay và lái xe cũ kỹ. Ông ấn định mức lương hàng tháng của mình chỉ khoảng 24 nghìn USD.
Triết lý không làm “ông già Noel”
Ông thể hiện rõ quan điểm đóng góp xã hội của mình. Ông quan niệm ông sẽ giúp xã hội bằng cách tạo việc làm cho người dân và người dân sẽ kiếm lấy cơm áo cho mình chứ không muốn làm “ông già Noel” đi phát quà.
Ông không chỉ đóng số tiền thuế rất lớn nộp ngân sách và còn tạo ra hàng chục nghìn việc làm tại một đất nước có tỷ lệ thất nghiệp khá cao này, Carlos Slim Helu còn thành lập ra khá nhiều các quĩ tài trợ và quĩ từ thiện.
Trong năm 2003, hai quỹ học bổng của ông đã cấp 20.000 suất cho sinh viên. Quỹ hỗ trợ trẻ em mang tên ông đã giúp trên 5.000 trẻ em phạm pháp có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường.
Hơn 11.000 ca mổ cho trẻ em đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ quỹ từ thiện của ông. Ông cũng chi 50 triệu USD để tu sửa lại 34 tòa nhà cổ tại trung tâm tài chính cũ của Mexico City, nơi được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
» Cảm ơn bạn đã ghé qua blog và đọc bài viết.
» Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn hãy để lại một nhận xét.
» Nếu thấy bài viết hay hãy chia sẻ với những người quanh bạn.
» Rất cảm ơn những comment thiện ý.