++ "THÀNH CÔNG CỦA BẠN SẼ CHẲNG CÓ NGHĨA LÝ GÌ KHI BẠN CHẲNG CÓ AI YÊU THƯƠNG ĐỂ CHIA SẺ! " ++

Albert Einstein 3


Điệp viên từng là người tình của Albert Einstein 

NXB Tuyệt mật vừa tung ra cuốn sách "Những giấc mơ ngày trước" của nữ nhà văn Olga Romanovna Trifonova. Nhân vật chính trong cuốn sách là Margarita Konekova, một nữ điệp viên Xôviết từng là người tình của nhà bác học nổi tiếng Albert Einstein.


Margarita và Einstein

 Margarita Konekova tới Mỹ vào năm 1923 nhân dịp một cuộc triển lãm nghệ thuật của Nga và ở lại đây cho tới năm 1945. Trong thời gian chiến tranh, bà đã đứng ra lãnh đạo một ủy ban hỗ trợ nước Nga. Ngoài ra, Konekova còn đảm nhiệm một loạt các công việc khác từ việc thu mua thuốc men, lương thực, vũ khí và quần áo để gửi về Liên Xô. Dần dần, Konekova đã trở thành một nhân vật quen thuộc trong giới thượng lưu tại Mỹ. Bà còn quen biết cả với đệ nhất phu nhân Elennoir Roosevelt.

Konekova và Einstein quen nhau trong một xưởng nghệ thuật tại Mỹ. Cuộc gặp gỡ này đã đặt tiền đề cho một chuyện tình rất lâu dài - họ vẫn trao đổi thư từ cho nhau ngay cả khi Konekova đã trở về Moskva. Chính nhờ tình yêu này, Einstein đã sẵn sàng tiếp xúc với tình báo Xôviết, giúp đỡ họ một số bí mật về công trình chế tạo bom nguyên tử. Tuy không trực tiếp cộng tác với tình báo Xôviết nhưng Einstein gần như đã làm theo tất cả những yêu cầu của Konekova. Ông cũng hình dung ra được công việc mà người yêu của mình đang làm nhưng không bao giờ gặng hỏi.

Vào thời điểm bắt đầu quen biết nhau, Albert Einstein đã ở cái tuổi 56, còn Konekova 39. Tuy nhiên, tình yêu của cả hai lại không già chút nào. Điều này được chứng minh qua nội dung những lá thư của Einstein gửi cho Konekova, trong đó có cả một bức chân dung của cả hai người được ký tên ghép là Alma - Albert và Margarita.

Ngày 16/7/1945, người Mỹ đã thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên tại bang New Mexico. Những thông số về quả bom này cùng với mốc thời gian cụ thể đã được bộ phận tình báo Xôviết ở New York chuyển về Moskva từ hai tuần trước đó. Đến ngày 18/8, Hội đồng Quốc phòng Nhà nước Liên Xô đã ra chỉ thị, trong đó có đoạn: “Giao cho đồng chí Beria áp dụng mọi hình thức hoạt động tình báo để nhận được những thông tin chi tiết hơn về bom nguyên tử”.

Tình báo Xôviết đã triển khai ngay một loạt các biện pháp cấp thiết, một trong số đó có liên quan tới Konekova. Bà được giao nhiệm vụ tổ chức cuộc gặp giữa lãnh sự Xôviết Mikhailov (thực chất là điệp viên Tổng cục Tình báo tại New York) với Albert Einstein. Vài năm sau đó, Einstein đã đích thân thừa nhận về cuộc gặp gỡ này, nhưng không cho biết những chi tiết cụ thể. Một số nguồn tin cho biết, Einstein đã được đề nghị tới sống tại Liên Xô nhưng ông đã từ chối.

Những chiến công của Konekova đối với tình báo Xôviết sau này đã được đánh giá rất cao. Từ thời điểm đó cho đến cuối đời, Konekova gần như sống ẩn dật giữa bốn bức tường. Bà mất năm 1980 tại Moskva, nhiều năm sau cái chết của Einstein.


Vì sao Einstein không muốn trở thành Tổng thống Israel 

Albert Einstein sinh năm 1879 tại thành phố Ulm của Đức trong một gia đình thương nhân gốc Do Thái đã bị đồng hóa. Đến năm 1896, ông từ bỏ quốc tịch Đức để tránh phải đi quân dịch, rồi bỏ sang sinh sống tại Thụy Sĩ. Năm 1911, tại thủ đô Prague của Tiệp Khắc, nơi ông được phong giáo sư, Albert Einstein bắt đầu tạo lập những mối quan hệ với cộng đồng người Do Thái sinh sống tại đây.

Nhà bác học Einstein (ngoài cùng bên trái) và lãnh tụ phong trào Sionism, Chaim Weizmann (bên phải ảnh).

 Chính trong thời gian làm việc và sinh sống tại Tiệp Khắc mà Albert Einstein cảm nhận sự căng thẳng về sự bài xích người Do Thái trong cộng đồng người Tiệp Khắc và cả trong cộng đồng người Đức. Chỉ cho đến năm 1914, khi quay về lại Đức thì Albert Einstein mới nhận thức được sự trầm trọng của vấn đề bài xích người Do Thái là như thế nào.

Có điều Albert Einstein phải lo âu: chính những người Do Thái ở Đức lại tỏ ra xa lạ và hắt hủi cả đối với những người anh em Do Thái đến từ Ba Lan và Nga. Đau xót về sự phân biệt và kỳ thị này, tại Hội nghị những người Do Thái sinh sống tại Đức, Albert Einstein tuyên bố không còn hãnh diện vì là một người Do Thái nữa, nhất là một người Đức gốc Do Thái.

Năm 1919, sau cuộc gặp gỡ với Kurt Blumenfeld, lãnh tụ có tư tưởng cực đoan của cộng đồng người Do Thái sinh sống ở Đức, Albert Einstein tuyên bố sẽ từ bỏ gốc gác Do Thái của mình. ông khẳng định: “Nếu buộc phải sống chung với những người hẹp hòi và bạo lực, tôi sẽ là người đầu tiên từ bỏ mọi gốc gác dân tộc của mình”.

Đối với ông, cách tốt nhất để người Do Thái được tồn tại như một dân tộc, như mọi dân tộc khác trên thế giới, là nên chung sống hòa bình và giao lưu văn hóa với các dân tộc khác. Chính quan điểm này của Albert Einstein đã không làm hài lòng những lãnh tụ Do Thái có tư tưởng dân tộc cực đoan vào thời kỳ đó như Kurt Blumenfeld, Martin Bruber...

Những “rạn nứt” đầu tiên với gốc gác Do Thái của mình đã xảy ra với Albert Einstein khi ông tháp tùng cùng Chaim Weizmann, một nhà hóa học người Do Thái sinh sống tại Anh, lãnh tụ Phong trào vận động thành lập một Nhà nước Do Thái (Sionisme), sau đó trở thành Tổng thống đầu tiên của Israel từ năm 1949 - 1952, đến Mỹ để vận động gây quỹ xây dựng một trường đại học Do Thái ở Jerusalem.

Được Tổng thống Harding, Thị trưởng thành phố New York, các viện đại học và cộng đồng người Do Thái sinh sống tại Mỹ, đón tiếp, Albert Einstein vẫn giữ nguyên nụ cười hiền hậu cố hữu của mình khi hình ảnh ông xuất hiện liên tục trên các phương tiện truyền thông. Thế nhưng, điều khiến Albert Einstein phiền lòng không ít trong chuyến đến Mỹ này là việc Chaim Weizmann đã lợi dụng tên tuổi của ông để tô bóng hình ảnh của mình trước cộng đồng người Do Thái ở Mỹ với mưu đồ riêng tư.

Năm 1923, Albert Einstein đến vùng Palestine ở Trung Đông, nơi mà cả cộng động người Do Thái và Arập cùng chung sống với nhau dưới sự kiểm soát của chính quyền Anh. Tại đây, ông hiểu ra rằng, cách tốt nhất để thành lập và tồn tại một nhà nước Do Thái ở Trung Đông là phải biết đối xử công bằng và tôn trọng các dân tộc Arập khác. Ông cực lực phản đối việc các lãnh tụ Do Thái có tư tưởng dân tộc cực đoan luôn hô hào phải dùng vũ lực để tranh giành đất đai với người Arập.

Vào ngày 14/5/1948, Nhà nước Do Thái đầu tiên đã ra đời tại Trung Đông trên một phần lãnh thổ Palestine và lấy tên Israel. Thế nhưng, điều khiến Albert Einstein thất vọng không ít là các cuộc xung đột và hận thù luôn tăng cao giữa những người Israel và người Arập. Điều này đã đi ngược lại nguyện vọng ban đầu của ông là mong muốn dân tộc Do Thái và các dân tộc Arập luôn được sống trong hòa bình.

Năm 1952, khi Chaim Weizmann, Tổng thống đầu tiên của Nhà nước Israel qua đời, người mà tất cả những người Do Thái mong muốn sẽ trở thành tổng thống kế tiếp của Israel không ai khác hơn là Albert Einstein. Đây cũng là sự nhất trí trong nội các chính phủ của Thủ tướng Ben Gourion vào tháng 11/1952. Thế nhưng, Albert Einstein đã quyết định từ chối trở thành tổng thống Israel trong một bức thư gửi cho Đại sứ Israel tại Mỹ Abba Eban vào ngày 18/11/1952.

Bức thư có nội dung: “Kính gửi ngài đại sứ. Tôi rất cảm động về lời đề nghị trở thành tổng thống Israel nhân danh Thủ tướng Ben Gourion, nhưng cũng rất buồn vì phải từ chối lời đề nghị này. Do cả cuộc đời của tôi chỉ biết cống hiến cho khoa học nên tôi cho rằng mình không đủ tố chất và kinh nghiệm để điều hành công việc của một quốc gia. Hơn nữa, tuổi tác và sức khỏe là rào cản vô hình khó có thể giúp tôi hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng như vậy.

Thế nhưng cho dù có ở bất cứ nơi đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi vẫn cố gắng làm tốt nhiệm vụ của một người Do Thái. Ước nguyện của tôi là muốn thấy một Nhà nước Do Thái chung sống hòa bình với các dân tộc Arập khác. Tôi hy vọng đất nước Israel sẽ tìm được một người kế thừa xứng đáng cho cố Tổng thống Weizmann”.

Việc này đã trở thành một sự kiện nổi tiếng cuối cùng trong cuộc đời vốn dĩ đã rất nổi tiếng của Albert Einstein, bởi sau đó ông lui về sống nốt những năm tháng còn lại của cuộc đời tại Princeton cho đến khi qua đời vào năm 1955.

 10 lời khuyên bổ ích của Albert Einstein 

Đã từ lâu, cái tên Albert Einstein luôn gợi cho người ta nhớ đến một thiên tài kiệt xuất. Ông là một nhà vật lý lý thuyết, triết học, nhà văn và hơn hết là một nhà khoa học có tầm ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại. 

Năm 1921, Albert Einstein đã được trao giải Nobel về vật lý cho những đóng góp của ông đối với ngành vật lý lý thuyết, mà trước hết là quy luật hiệu ứng quang điện. Einstein được coi là cha đẻ của vật lý hiện đại. Ông đã cho xuất bản hơn 300 công trình khoa học và hơn 150 tác phẩm các loại khác. Dưới đây là 10 lời khuyên bổ ích mà thiên tài này đưa ra:


1. Luôn tập trung


“Tôi không có tài năng gì đặc biệt cả. Tôi đơn giản chỉ đam mê như một kẻ tò mò”. Điều gì đánh thức tính tò mò của bạn? Tôi rất quan tâm đến nguyên nhân thành công và thất bại của con người. Chính vì vậy, tôi đã dành nhiều năm để nghiên cứu cách mà con người thành công. Còn bạn, bạn quan tâm điều gì nhất? Tính tò mò sẽ thúc đẩy bạn hướng tới thành công.

2. Luôn kiên trì

“Tôi thành công không phải vì tôi thông minh. Đó là kết quả của một quá trình lâu dài mà tôi không bao giờ đầu hàng khi thực hiện công việc”. Chính nhờ tính kiên trì của mình mà con rùa đã chiến thắng. Bạn đã bao giờ kiên trì đến khi đạt được mục đích của mình chưa? Người ta nói rằng giá trị của bưu phẩm chính là vì cuối cùng nó luôn đến được nơi cần đến.

3. Hãy tập trung vào hiện tại

Bố tôi nói rằng người ta không thể cưỡi một lúc 2 con ngựa. Tôi muốn nói rằng bạn hãy làm những gì bạn muốn, nhưng không phải tất cả đều thuận lợi. Hãy học cách tập trung vào công việc hiện tại, hãy thực sự quan tâm đến những gì bạn đang làm hiện nay. Năng lượng được tập trung sẽ tạo thành sức mạnh giúp bạn vượt qua thất bại tiến đến thành công.

4. Hãy luôn tưởng tượng

“Tưởng tượng là tất cả. Nó có khả năng giúp chúng ta hình dung những gì sẽ xảy ra. Tưởng tượng quan trọng hơn sự kiến thức”. Hàng ngày, bạn đã sử dụng óc tưởng tượng của mình chưa? Einstein nói rằng tưởng tượng còn quan trọng hơn cả kiến thức đấy! Trí tưởng tượng sẽ cho bạn thấy được tương lai. Có một lần, Einstein từng nói: “Trí thông minh thực sự không phải là kiến thức mà là óc tưởng tượng”.

5. Hãy luôn sửa sai

“Con người không bao giờ biết sửa sai thì sẽ không bao giờ biết tạo ra cái mới cả”. Đừng sợ sai. Sai lầm không phải là thất bại. Sai lầm có thể giúp bạn khá hơn, thông minh hơn và nhanh nhẹn hơn, nhưng với một điều kiện là bạn phải nhận ra sai lầm của mình. Muốn thành công, bạn hãy sai lầm nhiều hơn gấp 3 lần hiện tại!

6. Hãy luôn sống với hiện tại

“Tôi chưa bao giờ nghĩ về tương lai bởi vì nó sẽ đến”. Cách duy nhất để đến với tương lai là sống với hiện tại.

7. Hãy sống có ý nghĩa

“Hãy hướng tới những điều có ý nghĩa chứ không phải thành công”. Đừng bao giờ tiêu tốn thời gian của mình để trở thành một người thành công. Hãy làm cho cuộc đời mình trở nên có ý nghĩa. Nếu như bạn là người có ý nghĩa tức là bạn đã thành công. Hãy bộc lộ tất cả tài năng và khả năng của mình, hãy học cách sử dụng chúng! Hãy trở thành người có ý nghĩa, thành công sẽ đến với bạn!

8. Hãy làm mới mình

Bạn không thể đạt được kết quả mới nếu bạn chỉ mãi làm một công việc tương tự từ ngày này qua tháng khác. Hãy thay đổi cuộc sống của mình. Bạn hãy thay đổi hành động và cách tư duy để cuộc sống luôn mới mẻ.

9. Kiến thức bắt nguồn từ kinh nghiệm

“Thông tin thuần tuý không phải là kiến thức. Kinh nghiệm chính là nguồn tư liệu thực sự”. Bạn có thể nghiên cứu một vấn đề rất lâu, nhưng điều đó chỉ mang lại cho bạn những khái niệm kinh viện mà thôi. Muốn hiểu được thực chất vấn đề bạn phải thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ mà vấn đề đó đặt ra. Sau khi hoàn thành công việc, bạn sẽ có được kinh nghiệm mới và đó chính là kiến thức.

10. Hãy nắm được quy luật và chiến thắng

“Bạn phải là người nắm được luật chơi rồi sau đó bạn mới có thể chiến thắng”.


Chiếc đồng hồ của Einstein được bán với giá kỷ lục 

Các bạn bè của Einstein cho biết, cho đến những ngày cuối đời, tác giả của Thuyết tương đối không lúc nào rời chiếc đồng hồ nhãn hiệu Longines của Thuỵ Sĩ. Chiếc đồng hồ này vừa được đem bán đấu giá tại New York và trở thành chiếc đồng hồ đắt nhất thế giới.


Chiếc đồng hồ của Einstein đã trở thành chiếc đồng hồ đắt nhất thế giới.

 Khi nhà tổ chức những cuộc bán đấu giá Antiquorum thông báo mùa thu này, trên chiếc giá bày hàng ảo của mạng Timecode.com của họ sẽ bày bán một vật quý là chiếc đồng hồ của Einstein lập tức gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi giữa giới sưu tầm và những người hâm mộ tài năng của nhà bác học được coi là vĩ đại nhân thiên niên kỷ này.

Đó là chiếc đồng hồ đeo tay nam, nắp vỏ phia sau bằng 14 vàng carat có khắc ngày Einstein được tặng là 16-2-1931 tại Los Angeles. Cho tới cuối đời, nhà khoa học được giải Nobel Vật lý luôn đeo nó trên tay. Để chứng minh đúng là chiếc đồng hồ này là của ông, nhà bán đấu giá kèm một bộ ảnh chụp vào những thời gian khác nhau, có phóng to chi tiết chiếc đồng hồ trên tay ông.

Kết cấu của chiếc đồng hồ khá đơn giản, chẳng có chức năng phụ nào khác ngoài việc xem giờ nhưng vẫn được các nhà sưu tầm tiếng tăm có mặt tại cửa hàng bán đấu giá Antiquorum đến chật gian phòng và trả giá rất sôi nổi. Giá ban đầu của chiến đồng hồ được đặt là 20.000 USD và các nhà tổ chức dự đoán chỉ bán được 30 - 35.000 USD là cùng. Thế nhưng chẳng ai ngờ giá cứ được đẩy lên mãi và khi tiếng búa cuối cùng gõ xuống, giá của nó là 596.000 USD, tương đương 12,5 tỷ đồng tiền Việt, gấp gần 30 lần giá đặt ra. Điều đó cũng cho thấy Einstein dược người ta hâm mộ đến mức nào.

Như vậy chiếc đồng hồ của Albert Einstein đã trở thành chiếc đồng hồ có giá kỷ lục, đắt nhất thế giới từ xưa đến nay. Kỷ lục trước đây là chiếc đồng hồ bỏ túi bán với giá 74.000 franc Thuỵ sĩ được bán vào năm 2004 mà người mua chính là Viện bảo tàng đồng hồ của hãng Longines.

Albert Einstein và mối tình với nữ điệp viên Nga 

“Anh vừa mới tự gội đầu, nhưng không được thành công lắm. Anh không có được sự khéo léo, gọn ghẽ của em… Mọi thứ ở đây khiến anh nhớ em biết bao… Và “chiếc tổ nhỏ” của chúng ta cũng trở nên thật trống trải…”

Hẳn là Margarita Konenkova không hình dung được cuộc sống của mình sẽ ra sao khi nhận nhiệm vụ của cơ quan an ninh Liên Xô. Và hẳn cô cũng chẳng lường trước được cuộc gặp gỡ với Albert Einstein, một nhà bác học vĩ đại nhưng rất bình dị và si tình, có thể thay đổi cuộc đời mình đến mức nào. Nhưng số phận Margarita quả là đã xoay chuyển, đến mức chẳng còn đường lùi…

Kiệt tác trong mắt “Rodin nước Nga”

“Margarita đẹp đến nỗi tôi có cảm tưởng nàng là kiệt tác của một danh họa bí ẩn nào đó. Đôi bàn tay nàng – đôi bàn tay đẹp một cách kỳ lạ với những ngón thanh mảnh yêu kiều… Những ngón tay như thế tôi chưa thấy bao giờ!...” - Chồng Margarita, nhà điêu khắc Nga Sergei Konenkov đã viết trong nhật ký như vậy khi nhớ lại lần gặp gỡ đầu tiên với thiếu nữ sau này trở thành vợ mình.

Từ thị trấn nhỏ Sarapul, Margarita lên Moscow để học luật. Cô sống cùng với gia đình tiến sĩ Ivan Bunin, và ở đó cô đã quen với Konenkov, một nhà điêu khắc tài ba nhưng đã cứng tuổi. Konenkov yêu Margarita đến nỗi đã theo nàng về tận Sarapul, nơi nàng được chuyển đến để tách khỏi “gã si tình ương ngạnh”. Nhưng dường như số phận đã buộc họ với nhau. Chẳng bao lâu, Margarita lại xuất hiện trước ngưỡng cửa căn hộ của Konenkov ở Moscow để rồi ở lại đấy luôn bảy năm…

Margarita tựa như kiệt tác của một danh họa

 Margarita nhanh chóng hòa nhập với đời sống văn nghệ sĩ thủ đô. Cuộc hôn nhân của hai người có thể nói là tốt đẹp, nhưng chẳng vì thế mà người đẹp Margarita tránh được những cuộc phiêu lưu tình ái với các nhân vật nổi tiếng khác như nhạc sĩ Sergei Rachmaninov hay danh ca Fiodor Chaliapin… Chồng nàng tất nhiên là thấy hết. Nhưng Konenkov không chỉ là một nhà điêu khắc tài năng mà còn là một người đàn ông khôn ngoan biết làm ngơ trước những “đam mê” của người vợ trẻ.

Năm 1923, hai vợ chồng Konenkov sang Mỹ để dự triển lãm nghệ thuật Nga-Xô tại New York. Theo dự kiến, chuyến đi chỉ kéo dài vài tháng. Nhưng cuối cùng hơn 20 năm sau họ mới có cơ hội quay về tổ quốc...

Ở Mỹ, Margarita đã thay đổi rất nhiều. Trút bỏ những bộ trang phục xoàng xĩnh, buồn tẻ, phu nhân của “Rodin nước Nga” lột xác với những bộ váy áo sang trọng và những món trang sức tinh tế. Căn hộ của họ cũng trở thành một “Phòng khách thời thượng” với một quầy bar bằng gỗ do chính tay ông chủ chạm khắc. Margarita ngày càng tỏa sáng trong giới thượng lưu New York và nhờ người vợ khả ái này mà Konenkov đã nhận được khá nhiều đơn đặt hàng từ những nhân vật có ảnh hưởng nhất nước Mỹ.

Năm 1935, Đại học Princeton đặt Sergei Konenkov làm tượng bán thân của nhà bác học Albert Einstein…

Yêu nhà bác học đào hoa

Khi đó Einstein đã 56 tuổi. Ngoài tiếng tăm của một nhà khoa học lớn, Einstein còn nổi tiếng là người đàn ông được phụ nữ ái mộ.

Einstein đã kịp kết hôn lần thứ hai. Người vợ đầu tiên của ông, bà Mileva Maric, lớn hơn chồng 4 tuổi. Trong thư gửi cho con trai mình, Einstein viết: “Mẹ con là một phụ nữ Slavơ điển hình với cách phản biện dữ dội và kiên định. Bà ấy không bao giờ tha thứ cho những sai lầm…” Tuy nhiên, Einstein cũng cư xử với vợ mình không được bao dung cho lắm. Khi mang thai lần đầu (lúc chưa kịp làm đám cưới), Mileva đã phải về nhà cha mẹ đẻ ở Serbia để sinh nở và sau đó cô cũng không được mang đứa con gái nhỏ về nuôi vì Einstein cho rằng một đứa trẻ ngoài giá thú có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông. Và chuyện này đã khiến vợ chồng họ rất căng thẳng.


Einstein và người vợ đầu tiên, Mileva Maric

 Mặc dù sau đó vợ chồng Einstein còn sinh thêm hai người con trai nữa, nhưng quan hệ giữa họ khá lạnh lẽo. Mileva hay ghen với Albert vì ông rất đào hoa. Thi thoảng lại có một quý bà đánh ô tô đến chở ông đi cả ngày. Ngoài ra Mileva còn cho rằng chính Einstein đã làm hỏng sự nghiệp của bà. Mileva cũng là một nhà toán học giỏi giang, và trường đại học mà Albert phải thi hai lần mới đỗ thì bà đã đỗ ngay từ lần thi đầu. Tất cả những mâu thuẫn ấy khiến hai người không chịu đựng được nhau và cuối cùng đã chia tay sau nhiều năm ly thân.

Tuy nhiên, trước khi ly hôn, Mileva đã toan tính khá kỹ: bà ra điều kiện rằng nếu Einstein giành giải Nobel thì giá trị vật chất từ giải thưởng sẽ thuộc về bà. Einstein đồng ý, và chỉ hai năm sau ông đã có cơ hội thực thi lời hứa này (họ ly hôn năm 1919 thì năm 1921 Einstein đoạt giải Nobel Vật lý).

Vừa ly hôn xong Albert lập tức được cô em họ Elsa săn đón. Elsa là một người đàn bà xa xỉ và hời hợt. Cô mê của ngọt, quần áo đẹp, đồ trang sức quý, những chuyến du hí xa hoa… Elsa cũng mê cả Albert Einstein nữa, nhưng tất nhiên là kèm với danh tiếng của ông và việc ông có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu vật chất.

Einstein và người vợ thứ hai, Elsa

 Trong khi đó, bản thân Einstein lại rất thờ ơ với sự xa xỉ. Nhưng đó là thời điểm trước năm 1935, khi ông vẫn chưa bước qua ngưỡng cửa của nhà điêu khắc Xô Viết Sergei Konenkov và chưa làm quen với nàng Margarita kiêu sa và lộng lẫy như một đóa hoa mãn khai (lúc quen nhau, Margarita 39 tuổi, còn Einstein tròn 56 tuổi).

"Almar"

Nhiều mối tình lớn đã nảy sinh ngay sau tiếng sét đầu tiên. Nhưng với Albert và Margarita thì khác: tình yêu của họ đi những bước chầm chậm nhưng cuối cùng thì không thể dừng lại!

Sergei Konenkov chỉ đến chỗ Einstein ở Đại học Princeton một lần duy nhất còn sau đó ông tự làm việc với bức tượng bán thân của nhà bác học mà không cần “nguyên mẫu” nữa. Nhưng Margarita thì càng lúc càng năng ghé Princeton hơn. Sau năm 1936, khi người vợ thứ hai của Einstein qua đời, Margarita đã có một vị trí vững chãi trong tim nhà bác học.

Tuy nhiên, suốt ba năm trời, đôi tình nhân này chỉ có thể tranh thủ hẹn hò trong bí mật. Tình cảnh ấy khiến Einstein phát khùng và ông đã quyết định thực thi một… cú lừa. Ông đã viết cho Sergei Konenkov một lá thư dài, “mật báo” rằng “bà nhà ông” đang bệnh nặng kèm theo đủ các loại giấy chứng nhận y khoa do các bác sĩ (đều là chỗ bạn bè Einstein) cung cấp cùng những lời khuyên khẩn thiết rằng bà Konenkova cần thường xuyên đi tĩnh dưỡng ở nơi có khí hậu trong lành tại vùng hồ Saranac. Lo lắng cho sức khỏe của vợ, Konenkov đã để Margarita đến Saranac nghỉ mà không hề biết rằng ở đó có khu điều dưỡng Einstein vẫn thường lui tới…

Saranac trở thành thiên đường tình yêu cho Albert và Margarita. Căn phòng mà hai người ở với nhau được họ đặt tên là “chiếc tổ nhỏ”. Những món đồ mà họ tặng nhau thì được mang tên chung là “Almar” (ghép bởi các chữ cái đầu tiên trong tên hai người: Albert và Margarita) như tấm chăn Almar, chiếc ghế bành Almar, cái tẩu Almar… Margarita còn hay giúp nhà bác học gội mái tóc bù xù trứ danh của ông. “Anh vừa mới tự gội đầu, nhưng không được thành công lắm. Anh không có được sự khéo léo, gọn ghẽ của em… Mọi thứ ở đây khiến anh nhớ em biết bao… Và “chiếc tổ nhỏ” của chúng ta cũng trở nên thật trống trải…” – ông đã viết như vậy cho Margarita sau khi nàng đã rời nước Mỹ để trở về tổ quốc.

Einstein thường tự trào rằng mình nổi tiếng nhờ cái đầu... bù xù này

 Chẳng bao lâu chồng Margarita cũng biết rằng mối quan hệ giữa vợ mình với nhà bác học nổi tiếng đã vượt quá giới hạn bạn bè. Và, trái với thông lệ, lần này Sergei đã làm om cả lên. Có lẽ người đàn ông này hiểu rằng thứ tình cảm mà Margarita dành cho Einstein “rành mạch” hơn những niềm đam mê trước đây của nàng. Nhưng om sòm đã không ngăn cản nổi Margarita – nàng vẫn tiếp tục gặp gỡ Einstein cho đến lúc rời đất Mỹ và hồi hương vào năm 1945.

Einstein và Margarita lúc ở Mỹ

 Trước khi chia tay, Einstein có tặng cho Margarita một chiếc đồng hồ vàng. Về sau, vào cuối thế kỷ XX, kỷ vật này cùng với một số bức thư của hai người đã được trưng bày tại một cuộc bán đấu giá. Và chính những bức thư ấy đã trở thành vật chứng cho mối tình dịu ngọt giữa Margarita và Albert. Trước khi phát hiện ra những bức thư này, người ta đã nghĩ hơi khác…

 Margarita từng làm việc cho cơ quan an ninh Liên Xô và người ta ngờ rằng nàng đã lợi dụng các mối quan hệ trong giới thượng lưu Mỹ để thu thập các bí mật liên quan đến hạt nhân (bằng cớ hùng hồn nhất cho “nghi án” này là trong vài bức ảnh Margarita đã xuất hiện ngay bên cạnh Robert Oppenheimer – “cha đẻ” của bom hạt nhân Mỹ).

Einstein biết điều này và rất thương Margarita. Ông vẫn gọi Liên Xô là “đất nước chai sạn của nàng”. Còn sau này, khi Margarita hồi hương, trong các bức thư ông đã hỏi nàng rằng liệu “các cựu thủ trưởng” có làm phiền nàng không. Nhưng việc các “thủ trưởng” ấy không có chuyện trở thành “cựu” đối với Margarita, nhà bác học này hẳn là không đoán được.

Ông cũng đã cố gắng trong khả năng của mình để giúp đỡ Margarita. Thậm chí ông còn đồng ý đến gặp cả Phó lãnh sự Liên Xô tại New York là Pavel Mikhailov, người chịu trách nhiệm giám sát các quan hệ khoa học. Tuy nhiên, cuộc gặp đã không mang lại kết quả nào - Einstein đã từ chối hợp tác với cơ quan an ninh Liên Xô.

… Khi vợ chồng Konenkov trở về Nga, theo chỉ thị riêng của Stalin, cả một chuyến tàu biển đã được thuê để chở toàn bộ tác phẩm của Sergei Konenkov về. Tại Moscow, nhà điêu khắc này đã được giao toàn quyền sử dụng một xưởng lớn nằm ngay trên đại lộ Gorky – đó là đặc ân mà chưa một nghệ sĩ nào ở Liên Xô dám mơ.

Nhưng sau đó, một làn sóng đố kỵ đã trút lên đầu vợ chồng Konenkov – vì rằng lúc bom rơi đạn nổ thì họ được yên ổn ở nước ngoài, vì rằng giờ đây họ lại nhận được quá nhiều đặc ân của nhà nước. Mệt mỏi vì những lời công kích, Margarita đã viết một lá thư gửi thẳng cho Bộ trưởng Nội vụ lúc bấy giờ là Beria với lời đề nghị “bảo vệ gia đình tôi khỏi những sự công kích vô căn cứ vì những cống hiến của tôi và của Sergei Konenkov đối với tổ quốc…”. Nếu như những cống hiến của Sergei mọi người ít nhiều đều biết thì những cống hiến của Margarita họ chỉ có thể phỏng đoán mà thôi. Đến tận bây giờ, việc vợ chồng Konenkov đã làm những gì trong hơn 20 năm ở Mỹ vẫn chưa được tiết lộ.

Em nói em yêu anh

Việc trao đổi thư từ vẫn được Einstein và Margarita duy trì thêm mười năm nữa, đến tận lúc ông từ trần vào năm 1955. Thư của Einstein thường đượm vẻ u hoài. “…Khác với anh, em vẫn còn, có lẽ là, vài chục năm nữa dành cho một cuộc sống năng động và sáng tạo. Anh nghĩ rất nhiều đến em và từ đáy lòng anh cầu chúc cho em luôn can đảm và lạc quan để bước vào cuộc sống mới…”

Einstein đâu biết rằng thời của những bộ trang phục lộng lẫy và những cuộc chiêu đãi sang trọng của Margarita đã lùi vào quá khứ. Cuộc sống mới của nàng giờ đây chỉ quẩn quanh với việc nội trợ. Vợ chồng nàng cũng không thể có con nữa – suốt thời trẻ nàng đã ngại có con vì sợ sẽ làm hỏng mất vóc dáng tuyệt mỹ của mình…

Sau khi Konenkov mất (năm 1971), Margarita chỉ còn lại một mình. Bà hầu như không đi đâu, thậm chí bạn bè và người thân bà cũng tránh. Nhiều khi bà nằm cả tuần trên giường và phát phì kinh khủng. Người quản gia còn công khai chế nhạo bà, chỉ cho bà ăn bánh mì đen với cá trích và luôn tìm cách “thó” đồ đạc của bà…

Năm 1980, Margarita Konenkova, người đẹp chói lòa một thuở, đã chết vì kiệt sức do bỏ ăn. Dường như Margarita muốn ra đi, bởi lẽ không còn điều gì níu giữ bà nữa, ngoài một chiếc hộp chạm trổ bên trong đựng tờ giấy có bài thơ mà Einstein viết tặng bà. Xin tạm dịch bài thơ đó như sau:


Vòng vây gia đình, em đâu thể thoát ra.
 Nỗi bất hạnh của hai ta là thế
 Làm sao xuyên thấu trời cao kia
 Mà tương lai hai ta lại ẩn sâu trong đó.
Đầu anh cứ ong lên
 Đôi tay và trái tim anh suy kiệt...
 Em nói em yêu anh
 Nhưng đâu phải vậy.
 Anh đành gọi thần tình yêu xin cứu giúp
 Để nài mong em hãy xót thương.

AE (Giáng sinh 1943)

NASA chứng minh Einstein đúng 

Sau nửa thế kỷ nghiên cứu với kinh phí lên tới 700 triệu đô la, mới đây, các nhà khoa học thuộc dự án Gravity Probe B của NASA đã có đủ bằng chứng để khẳng định không - thời gian bị uốn cong và uốn quanh hành tinh của chúng ta khi nó quay. 

Đây là điều đã được Einstein đưa ra trong lý thuyết tương đối rộng của ông. Theo đó, quả táo rơi xuống mặt đất không phải vì nó bị tác động của trọng lực, mà vì nó phản ứng với độ cong của không - thời gian gần bề mặt Trái Đất.

Tương tự, Mặt Trời uốn cong vũ trụ nên Trái Đất có thể quay quanh nó.



 Ảnh Einstein “lè lưỡi” đạt giá hơn 74.000USD 

Thông tin: Bức ảnh chụp nhà vật lý Albert Einstein thè lưỡi trêu các nhiếp ảnh gia đã được ông David Waxman ở New York (Mỹ) mua với giá 74.324 USD trong một cuộc đấu giá trên trang web rrauction.

Bức ảnh nổi tiếng của Einstein
 Bức ảnh này được chụp vào năm 1951 nhân dịp sinh nhật lần thứ 72 của Einstein. Có tổng cộng 9 tấm ảnh như vậy, song bức vừa được đấu giá trở thành “hàng độc” vì có chữ ký của nhà vật lý thiên tài.

Einstein trao bức ảnh đó cho nhà báo Howard K. Smith, một người bạn của ông. Ta nhìn thấy trong bức ảnh một người đàn ông tóc bạc rất “ngộ nghĩnh” với chiếc lưỡi thè ra và ánh mắt hóm hỉnh.

Công bố những bức ảnh chưa từng biết về đám tang Einstein 

Thông tin: Ấn phẩm nổi tiếng Life mới đây cho công bố những bức ảnh chưa từng được biết đến được chụp trong lễ tang của nhà vật lý vĩ đại Albert Einstein.

Từ trước tới nay, chưa có bất cứ một tấm ảnh nào về đám tang Einstein được công bố. Thậm chí ngày tháng chính thức cử hành tang lễ của thiên tài này đến nay vẫn luôn là một đề tài gây tranh cãi. Theo một số nguồn tin, thi thể của Einstein được an táng ngày 19/5/1955. Một số nguồn tin khác lại khẳng định đám tang được cử hành vào ngày 18/4/1955.

Bàn làm việc của thiên tài A.Einstein trong ngày ông mất

Quan tài Einstein được chuyển từ bệnh viện Princeton đến nhà tang lễ 
Ralph Morse (1918-2007), một nhiếp ảnh gia của Tạp chí Life đã có mặt trong đám tang Einstein và đã chụp lại một số bức ảnh của buổi lễ đó. Tuy nhiên, do yêu cầu từ phía gia đình Einstein, các bức ảnh do Ralph Morse chụp đã không được công bố vào thời bấy giờ và cho tới tận sau này.

Nhà nhiếp ảnh Ralph Morse của Tạp chí Life năm 1943 

Trong các bức ảnh của Morse, ngoài người thân của nhà vật lý vĩ đại Einstein, người ta còn nhận thấy sự hiện diện của Thomas Harvey, người đã phẫu thuật lấy não của Einstein phục vụ cho mục đích khoa học.

 Khát vọng hòa bình lớn lao của Albert Einstein 

Thông tin: Cha đẻ của học thuyết tương đối bất hủ không tin việc cùng kỹ thuật quân sự và sức mạnh anh ninh có thế mang lại hòa bình cho thế giới. Theo ông, muốn hòa bình thì các quốc gia phải tin tưởng lẫn nhau, cùng khước từ bạo lực và áp dụng một cấp thẩm quyền hành pháp và tư pháp siêu quốc gia.

Bàn về sự chung sống hòa bình giữa các dân tộc

Bài viết cho chương trình truyền hình của Bà phu nhân tổng thống Roosevelt

Thưa Bà Roosevelt! Tôi xin cảm ơn Bà, vì Bà đã cho tôi cơ hội trình bày quan điểm của tôi về vấn đề chính trị quan trọng nhất này:

Trong tình trạng hiện nay của kỹ thuật quân sự, sự tin tưởng rằng, người ta có thể có được an ninh nhờ vũ trang cho đất nước mình, hoàn toàn chỉ là ảo tưởng. Về phía nước Mỹ, ảo tưởng này còn được khuyến khích đặc biệt bởi một ảo tưởng thứ hai là trước tiên thành công trong việc chế tạo bom nguyên tử ở nước này. Người ta có xu hướng tin rằng, về lâu dài có thể đạt được ưu thế tuyệt đối về quân sự. Theo cách này, người ta tin là có thể làm cho bất cứ kẻ thù tiềm năng nào phải khiếp sợ, qua đó mang lại cho chính chúng ta và toàn thể nhân loại an ninh mà tất cả mọi người mong muốn tha thiết.

Câu châm ngôn được chúng ta tin cậy trong suốt năm năm qua là: An ninh bằng sức mạnh vượt trội, dù phải trả bằng bất cứ giá nào.

Einstein khao khát hòa bình và dân chủ

 Hậu quả của thái độ máy móc, kỹ thuật-quân sự và tâm lý này là không thể tránh được. Mọi hành động đối ngoại đều bị khống chế bởi quan điểm duy nhất: Chúng ta phải hành động như thế nào để trong trường hợp chiến tranh, có được ưu thế hơn hẳn so với kẻ thù? Đó là việc thiết lập các căn cứ quân sự tại tất cả các vị trí quan trọng về chiến lược trên trái đất, vũ trang và gia tăng sức mạnh về kinh tế cho các nước đồng minh tiềm tàng; ở trong nước, tập trung quyền lực tài chính khổng lồ vào trong tay quân đội, quân phiệt hóa giới trẻ, giám sát lòng trung thành của các công dân và đặc biệt của các quan chức thông qua hệ thống cảnh sát ngày càng trở nên hùng mạnh, đe dọa những người có tư duy chính trị độc lập, gây ảnh hưởng đến tâm trạng của dân chúng thông qua đài phát thanh, báo chí và trường học, cấm các khu vực thông tin đang phát triển viện cớ liên quan đến bí mật quân sự.

Những hậu quả tiếp theo: Cuộc chạy đua vũ trang vốn được xem là sự phòng ngừa giữa Liên Xô và Mỹ nay mang tính chất điên rồ. Ở cả hai phía, phương tiện giết người hàng loạt được sản xuất trong tình trạng dồn dập sôi động đằng sau những bức tường bí mật.

Trong triển vọng, bom H được xem như một mục tiêu có thể đạt được. Tổng thống long trọng công bố về sự phát triển nhanh chóng của nó. Nếu thành công, thì về mặt kỹ thuật, bom H có thể gây ra hiện tượng nhiễm phóng xạ cho bầu khí quyển và sự huỷ hoại toàn bộ sự sống trên trái đất. Điều khủng khiếp của diễn biến này chính là ở tính có vẻ tất yếu của nó. Mỗi bước tiến dường như là hậu quả không thể tránh được của người đi bước trước. Có thể thấy ngày càng rõ rằng, rút cuộc sẽ là sự hủy diệt tất cả.

Liệu có thể có giải pháp gì nói chung để cứu vãn tình hình do chính con người tự tạo ra này được hay không? Tất cả chúng ta và đặc biệt là những người có trách nhiệm về hành động của Mỹ và Liên Xô, cần phải học cách thừa nhận rằng, tuy họ đã kìm chế được kẻ thù bên ngoài, nhưng lại không có khả năng tự giải phóng mình khỏi tâm trạng do chiến tranh tạo ra. Không thể đạt được hòa bình thực sự, nếu người ta định hướng phương thức hành động của mình dựa vào khả năng có thể xảy ra một cuộc xung đột trong tương lai, đặc biệt khi người ta ngày càng biết rõ rằng, một cuộc xung đột chiến tranh như thế có nghĩa là sự hủy diệt tất cả.

Vì vậy, tư tưởng chỉ đạo của tất cả các hành động chính trị phải là: Chúng ta có thể làm được gì để tạo ra được một sự chung sống hòa bình, thỏa đáng trong khuôn khổ có thể giữa các quốc gia? Vấn đề đầu tiên là loại bỏ nỗi sợ hãi và thiếu tin tưởng lẫn nhau. Sự khước từ một cách long trọng đối với việc sử dụng bạo lực chống lại nhau (không chỉ là sự khước từ đối với việc sử dụng các phương tiện giết người hàng loạt) dĩ nhiên là cần thiết. Sự khước từ đó chỉ trở nên có hiệu quả, nếu nó gắn liền với việc áp dụng một cấp thẩm quyền hành pháp và tư pháp siêu quốc gia. Quyền quyết định về các vấn đề liên quan trực tiếp đến an ninh của các quốc gia, được chuyển giao cho cấp thẩm quyền này. Ngay một lời tuyên bố của các quốc gia về sự cộng tác trung thành để thực hiện một “Chính phủ thế giới hạn chế” như vậy, cũng sẽ làm giảm một cách đáng kể nguy cơ chiến tranh.

Rút cuộc, mọi sự chung sống hòa bình của con người, thứ nhất, dựa vào sự tin cậy lẫn nhau, thứ hai, dựa vào các thiết chế như tòa án và cảnh sát. Điều này có giá trị cả cho các quốc gia lẫn cho các cá nhân riêng lẻ. Nhưng, sự tin cậy chỉ dựa vào một mối quan hệ trung thực của “give and take” tức là của “cho và nhận”.

Nhưng sự tin cậy ấy có quan hệ ra sao với sự kiểm soát quốc tế? Giờ đây (so với lòng tin cậy lẫn nhau) sự kiểm soát quốc tế chỉ có thể có vai trò hữu ích thứ yếu với tư cách là một biện pháp cảnh sát. Người ta có thể thực hiện tốt vai trò này ở đây, mà vẫn không đề cao quá mức tầm quan trọng của nó. So với giải pháp “cấm rượu” (ở Mỹ), thì đây là việc đáng suy ngẫm.

Hướng đến an ninh của nhân loại

Sự khám phá ra các phản ứng dây chuyền của nguyên tử không đòi hỏi con người thực hiện việc tàn phá nhiều hơn là việc phát minh ra que diêm. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để loại trừ sự lạm dụng. Ở trình độ hiện nay của phương tiện kỹ thuật, chỉ có một tổ chức siêu quốc gia gắn liền với một quyền lực hành pháp đủ mạnh mới có thể bảo vệ được chúng ta. Nếu chúng ta đã thừa nhận điều này, thì chúng ta sẽ tìm thấy lực lượng mang đến sự hy sinh cần thiết cho an ninh của nhân loại. Mỗi người chúng ta cũng sẽ có lỗi, nếu mục tiêu này không được thực hiện kịp thời. Điều đáng sợ là ở chỗ, mỗi người không làm gì cả mà chỉ chờ đợi người khác làm cho mình.

Sự tôn trọng đối với những tiến bộ khoa học đã đạt được trong thế kỷ này, đều được thể hiện ở mỗi người, từ người có đôi chút trình độ cho đến người quan sát nông nổi, chỉ nhìn thấy những áp dụng về mặt kỹ thuật. Nhưng người ta sẽ không đánh giá quá mức những thành tựu của thời đại vừa qua, khi người ta nhớ đến những vấn đề của khoa học ở quy mô lớn. Điều này cũng giống như trong chuyến đi bằng xe lửa: Nếu người ta chỉ chú ý đến vùng lân cận tiếp theo, thì người ta dường như sẽ đạt được trong nháy mắt. Còn nếu người ta chú ý đến những hình thù lớn như những dãy núi cao, thì tình hình sẽ chỉ thay đổi dần dần. Điều này cũng tương tự, nếu người ta gặp phải những vấn đề lớn của khoa học.

Theo ý kiến của tôi, thật không có lý, khi nói một cách chung chung về “lối sống của chúng ta” hay lối sống của người Nga. Trong cả hai trường hợp, người ta nói đến sự tập hợp của các truyền thống và thói quen. Tập hợp này không tạo ra một chỉnh thể hữu cơ. Tốt hơn hết là tự hỏi mình xem, những cơ cấu nào, những truyền thống nào là có hại hoặc có lợi cho con người, những cơ cấu nào, những truyền thống nào làm cho cuộc sống hạnh phúc hơn hoặc đau khổ hơn. Khi đó, người ta phải cố gắng thực thi cái đã được nhận thấy là tốt hơn, không phụ thuộc vào câu hỏi, liệu hiện nay, nó có thực hiện được hay không ở chúng ta hoặc ở một nơi nào đó khác.

Chúng ta, những người kế thừa di sản

Các thế hệ trước đây đã có thể tin rằng, những tiến bộ về tinh thần và văn minh, đối với họ, không phải là một cái gì khác hơn là những thành quả được thừa hưởng từ lao động mà tổ tiên đã tạo ra, những thành quả đảm bảo cho họ một cuộc sống dễ chịu hơn và tốt đẹp hơn. Những tai họa lớn của thời đại chúng ta đã chỉ ra rằng, điều này đã chỉ là một ảo tưởng nguy hiểm.

Chúng ta thấy rằng, phải thực hiện những nỗ lực lớn nhất để di sản này của nhân loại không mang đến điều bất hạnh, mà mang đến điều hạnh phúc. Nếu trước đây, con người đã từng được coi là có giá trị xã hội khi được giải phóng ở mức độ nào đó khỏi thói ích kỷ cá nhân, thì hiện nay, con người được đòi hỏi phải vượt qua được thói ích kỷ giai cấp và dân tộc của mình. Bởi vì chỉ khi vượt lên cao như vậy, con người mới có thể đóng góp vào việc thay đổi số phận của cộng đồng nhân loại theo hướng tốt hơn.

 Trước đòi hỏi quan trọng này của thời đại, những người dân thuộc các quốc gia nhỏ lại ở hoàn cảnh tương đối thuận lợi hơn so với những người dân thuộc các quốc gia lớn, bởi vì cả về chính trị và kinh tế, những người dân này tránh được những cám dỗ của sự bành trướng quyền lực một cách tàn bạo. Hiệp định giữa Hà Lan và Bỉ, một hiệp định đã tạo ra điểm sáng duy nhất trong sự phát triển của châu Âu trong thời đại hiện nay, đã cho phép hy vọng rằng, các quốc gia nhỏ có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo trong nỗ lực đạt được sự giải phóng khỏi ách thống trị nhục nhã của chủ nghĩa quân phiệt, nhờ việc khước từ đối với quyền tự quyết tự do, không hạn chế.

Albert Einstein


Einstein có thể đã sai 

Thông tin: Ngày 22/9, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN) đã gây chấn động làng vật lý thế giới khi công bố họ đã phát hiện hạt phân tử neutrino có khả năng di chuyển nhanh hơn vận tốc ánh sáng.
 Phát hiện này, nếu đúng, sẽ làm đảo lộn toàn bộ vật lý học hiện đại.

Nhóm nghiên cứu đã bắn một dòng hạt neutrino từ một máy gia tốc trong lòng đất tại CERN, bên ngoài Geneva (Thụy Sĩ) tới Phòng thí nghiệm Gran Sasso ở Ý, cách đó 731km. Họ vô cùng kinh ngạc khi phát hiện tốc độ của các hạt neutrino lên tới 300.000,6 km/giây, nhanh hơn tốc độ ánh sáng khoảng 6km/giây.

“Các hạt neutrino đến đích nhanh hơn 60 giây nano (1/1 tỉ giây) so với quãng thời gian 2,3 mili giây (1/1.000 giây) của ánh sáng” - nhà vật lý học Antonio Ereditato thuộc CERN khẳng định. Ông cho biết sai số của kết quả này khoảng 10 giây nano.

“Kết quả này gây ngạc nhiên quá lớn - chuyên gia Ereditato nói - Chúng tôi chỉ muốn đo tốc độ hạt neutrino chứ chẳng mong tìm thấy điều gì đặc biệt”. Các nhà khoa học CERN đã dành ba năm nghiên cứu và thêm sáu tháng để “kiểm tra, thử nghiệm, kiểm tra lại mọi thứ” trước khi công bố thông tin.

Phải chăng nhà bác học thiên tài Albert Einstein đã sai lầm? - Ảnh: Wikipedia

 “Khi nhận được một kết quả điên rồ như vậy, chúng tôi phải đảm bảo là đã không có sai sót hay không tính toán đến mọi yếu tố. Chúng tôi đã dành nhiều tháng kiểm tra đi kiểm tra lại và không phát hiện bất cứ sai sót nào cả”.

Thách thức thuyết tương đối

Một sự chêch lệch cực nhỏ nhưng lại có ý nghĩa vô cùng to lớn. Thuyết tương đối của nhà vật lý học vĩ đại Albert Einstein là một trong những trụ cột quan trọng nhất của vật lý học hiện đại. Theo thuyết tương đối, trong vũ trụ không gì có thể di chuyển nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Một thế kỷ quan sát và thực hiện cho thấy lý thuyết này rất chính xác. Đó là một trong những yếu tố quan trọng nhất của vật lý hiện đại nhằm giải thích sự tồn tại và vận hành của vũ trụ và vạn vật.

“Nếu thí nghiệm của CERN được chứng minh là đúng thì rõ ràng kết quả này là một cuộc cách mạng lớn lao và sẽ làm thay đổi toàn bộ nền tảng của vật lý học hiện đại - nhà vật lý học Pháp Pierre Binetruy nhận định - Sự chính xác của cả thuyết tương đối rộng và thuyết tương đối hẹp đều sẽ trở nên sai lầm”. Nhà vật lý học lý thuyết Alvaro de Rujula thuộc CERN cũng khẳng định: “Nếu thí nghiệm này chính xác thì rõ ràng chúng ta chẳng hiểu gì về vật lý và vũ trụ”.

Theo nhà vật lý học hạt cơ bản Stephen Parke thuộc Phòng thí nghiệm máy gia tốc quốc gia Femi của Mỹ (Femilab), nếu quả thật có hạt cơ bản di chuyển nhanh hơn tốc độ ánh sáng thì về lý thuyết, con người hoàn toàn có thể đi ngược thời gian. “Khi đó bạn có thể trở thành chính bà ngoại của mình. Đó quả là một vấn đề lớn” - Parke nói một cách hài hước.

Parke và nhà thiên văn học John Learned thuộc Đại học Hawaii cho rằng nếu kết quả nghiên cứu của CERN là sự thật, thì cũng có thể có một cách giải thích khác là hạt neutrino có thể đi “đường tắt” trong không gian thông qua những chiều không gian khác.

“Thuyết tương đối chỉ đúng trong không - thời gian bốn chiều (ba chiều không gian và một chiều thời gian), do đó nếu có một chiều thứ năm thì hạt cơ bản có thể đi qua và đi nhanh hơn tốc độ ánh sáng” - Learned đặt giả thuyết.

Cần sự kiểm chứng

Tuy nhiên, không ít chuyên gia vật lý học quốc tế đã tỏ ra nghi ngờ kết quả thí nghiệm của CERN. “Kết quả này nằm ngoài sự tưởng tượng, do đó tôi thấy cần thận trọng. Có thể đã có sai sót về phép đo” - giáo sư Weber tuyên bố. Giáo sư vật lý Dave Goldberg thuộc Đại học Drexel (Mỹ) cũng cho rằng cộng đồng khoa học thế giới sẽ không quá vội vã chấp nhận kết quả thí nghiệm này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Phan Bảo Ngọc - trưởng bộ môn vật lý, Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cũng cho rằng độ chênh lệch giữa vận tốc hạt neutrino đo được trong cuộc thí nghiệm và vận tốc ánh sáng nằm trong khoảng 6 sigma (1 sigma là sai số của phép đo), do đó chưa thể chắc chắn về độ chính xác của kết quả thí nghiệm.

Nguồn: Cern - Đồ họa: vĩ cường

 “Các chuyên gia CERN đã làm tất cả những gì có thể, nhưng trước khi ném Einstein vào lửa, chúng ta cần có một cuộc thí nghiệm độc lập khác để kiểm chứng kết quả này” - nhà vật lý học lý thuyết John Ellis thuộc CERN khẳng định.

Ngay cả các chuyên gia CERN thực hiện cuộc thí nghiệm cũng cho biết họ quyết định công bố kết quả là vì muốn các nhà khoa học quốc tế cùng kiểm chứng kết quả. “Hi vọng một cuộc thí nghiệm khác sẽ đưa lại kết quả tương tự - chuyên gia Ereditato khẳng định - Khi đó, tôi sẽ cảm thấy nhẹ nhõm”.

Theo nhà vật lý học hạt neutrino Chang Ke Jung - người phát ngôn của chương trình thí nghiệm vật lý hạt cơ bản đa quốc gia T2K, thí nghiệm của CERN sẽ sớm được tái lập tại phòng nghiên cứu của T2K. Các nhà khoa học Femilab cũng sẽ thực hiện các thí nghiệm tương tự trong vòng sáu tháng tới.


Giới vật lý hoài nghi việc hạt bay nhanh hơn ánh sáng 

Thông tin: Nhiều nhà vật lý hàng đầu thế giới tỏ ra thận trọng sau khi các nhà khoa học châu Âu tuyên bố họ tìm ra hạt bay nhanh hơn vận tốc ánh sáng trong các thí nghiệm.
 Ngày 23/9, các nhà khoa học thuộc Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN) tuyên bố hạt neutrino mà họ phóng ra di chuyển nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Trong thí nghiệm, các chuyên gia đã bắn 15.000 luồng hạt neutrino từ ngoại ô thành phố Geneva tại Thụy Sỹ tới thành phố Gran Sasso. Khoảng cách giữa điểm xuất phát và đích của các luồng hạt là 730 km. Ánh sáng bay qua khoảng cách 730 km trong khoảng 2,4 phần nghìn giây, song các hạt neutrino bay nhanh hơn ánh sáng 60 phần tỷ giây.

Phát hiện này khiến nhiều nhà khoa học trên thế giới đặt câu hỏi về tính đúng đắn của thuyết tương đối hẹp do nhà vật lý lừng danh Albert Einstein đề xướng. Thuyết tương đối hẹp, được coi là hòn đá tảng của vật lý hiện đại, khẳng định mọi dạng vật chất trong vũ trụ không thể di chuyển nhanh hơn tốc độ ánh sáng trong chân không.

AP đưa tin các nhà khoa học của CERN đang thực hiện việc phóng hạt neutrino với tốc độ cao hơn để xác định xem họ nhầm lẫn hay thuyết của Einstein sai. Đây là đáp án rất quan trọng đối với cả vũ trụ.

Thuyết tương đối hẹp của Albert Einstein khẳng định mọi vật trong vũ trụ không thể di chuyển nhanh hơn vận tốc ánh sáng. Ảnh: AP.

 Nếu phát hiện của các nhà khoa học thuộc CERN được xác nhận là chính xác bằng thực nghiệm, nó sẽ không thay đổi tính chất của vũ trụ hay cuộc sống của muôn loài. Song chắc chắn nó sẽ thay đổi cách hiểu của chúng ta đối với thế giới xung quanh.

Chỉ có hai phòng thí nghiệm trên thế giới có thể lặp lại thí nghiệm phóng hạt neutrino của CERN. Đó là phòng thí nghiệm Fermilab tại thành phố Chicago, Mỹ và một phòng thí nghiệm tại Nhật Bản.

Ban lãnh đạo phòng thí nghiệm Fermilab tuyên bố họ sẽ kiểm chứng phát hiện của các nhà khoa học châu Âu. Vấn đề duy nhất là các hệ thống đo đạc của họ không chính xác như hệ thống đo đạc của CERN. Rob Plunkett, một nhà khoa học của Fermilab, thừa nhận phòng thí nghiệm không thể nâng cấp các hệ thống đo đạc trong một thời gian ngắn.

Plunkett nói rằng có lẽ các học thuyết của Einstein cần được bổ sung, nhưng ông nói thêm: “Làm những việc trái với học thuyết của Einstein là rất nguy hiểm. Học thuyết của Einstein đã được kiểm chứng nhiều lần trong hơn một thế kỷ qua”.

Di chuyển nhanh hơn ánh sáng là điều không thể xảy ra trong thuyết tương đối hẹp của Einstein – học thuyết vốn được biết đến với công thức E=mc2. Tốc độ ánh sáng (299.792 km/h) từ lâu đã được coi là giới hạn tốc độ trong vũ trụ.

“Chúng tôi sẽ rất vui sướng nếu hạt neutrino thực sự bay nhanh hơn ánh sáng, bởi chúng tôi thích một thứ gì đó có khả năng làm lung lay nền tảng hiểu biết của con người”, Brian Greene, nhà vật lý nổi tiếng của Đại học Columbia tại Mỹ, bình luận.

“Suy nghĩ mà mọi người đang theo đuổi là: Điều đó không thể đúng và không thể xảy ra trong thực tế”, James Gillies, một chuyên gia làm việc cho CERN, nói.

John Ellis, một nhà vật lý lý thuyết của CERN, nói rằng việc kêu gọi cộng đồng khoa học quốc tế kiểm chứng phát hiện của CERN là điều quan trọng.

“Thuyết tương đối hẹp của Einstein đặt nền tảng cho mọi thứ trong vật lý hiện đại. Nó vẫn thể hiện sự đúng đắn tới tận bây giờ”, Ellis nói.



Thư của Einstein giá 14.000 đôla 

Thông tin: Bức thư của nhà khoa học Albert Einstein cảnh báo về hiểm họa đối với người Do Thái vừa được bán với giá 14.000 USD.
 Nhà vật lý từng đoạt giải Nobel này gửi bức thư nói trên cho Hyman Zinn, một thương nhân ở thành phố New York, năm 1939. Bức thư vừa đem bán đấu giá ở bang California, Mỹ. Mức giá 14.000 USD cao gấp đôi so với dự đoán ban đầu.

Nhà khoa học phát minh ra thuyết tương đối viết trong thư rằng: "Sự kiên cường của những người Do Thái được biết đến trong hàng nghìn năm qua. Người Do Thái đã vượt qua được khó khăn chính là nhờ vào truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái".

"Những lúc khó khăn như thế này chính là thời điểm để thử thách tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của chúng ta. Nhưng chắc chắn rằng chúng ta sẽ vượt qua cũng như cha ông chúng ta đã làm được", BBC dẫn lời trong lá thư.

Trong bức thư được đánh máy, Einstein ca ngợi việc thương nhân Zinn đã giúp đỡ nhiều người Do Thái khỏi sự trừng phạt của nhà độc tài Adolf Hitler. Bản thân Einstein cũng phải bỏ chạy tới Mỹ khi Hitler lên nắm quyền năm 1933. "Công lao của ngài trong việc giúp đỡ người Do Thái thật đáng khâm phục. Ngài đã giúp cho họ có tương lai tốt đẹp hơn", Einstein viết.

Bức thư được đánh giá là còn gần như nguyên vẹn. Thư đề ngày 10/6/1939. Trên phong bì thư Einstein ghi rõ địa chỉ của ông lúc bấy giờ tại đại học Princeton, Mỹ.

Não của thiên tài Einstein sẽ được trưng bày 
Thông tin: Công chúng sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng bộ não của Albert Einstein, người được coi là nhà khoa học vĩ đại nhất trong thế kỷ 20, tại một bảo tàng của Mỹ.
 46 lát cắt não của Einstein sẽ được trưng bày trong Bảo tàng Y khoa Mutter tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ trong 9 ngày làm việc. Anna Dhody, một chuyên gia của bảo tàng, nói rằng thời gian trưng bày chưa được ấn định, song sự kiện sẽ diễn ra trong tương lai gần. Khách tham quan có thể xem 45 lát cắt của não Einstein bằng mắt thường. Nhưng một lát cắt quá nhỏ nên người ta phải xem qua kính hiển vi, Livescience cho biết.
“Einstein là một cá nhân độc nhất vô nhị. Chiêm ngưỡng bộ phận cơ thể liên quan tới trí tuệ của người đàn ông vĩ đại ấy là một cơ hội tuyệt vời”, Dhody phát biểu.
Ngoài não của Einstein, Bảo tàng Y khoa Mutter còn trưng bày một phần cơ thể của nhiều nhân vật nổi tiếng khác trong lịch sử - như một khối u của cố tổng thống Mỹ Glover Cleveland. Nhưng mục đích chính của cuộc trưng bày, theo Dhody, là giúp công chúng chiêm ngưỡng diện mạo bộ não của một thiên tài. Dhody nhấn mạnh rằng chưa ai thực sự hiểu cấu trúc não của Einstein có vai trò thế nào đối với sự vĩ đại của ông.
Albert Einstein, chào đời ngày 14/3/1879, là nhà vật lý lý thuyết người Mỹ gốc Đức-Do Thái. Ông được coi là một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Người ta gọi Einstein là người khai sinh ra vật lý hiện đại. Ông nhận giải Nobel Vật lý vào năm 1921 vì những đóng góp cho vật lý lý thuyết, đặc biệt là khám phá về định luật quang điện. Tạp chí Time của Mỹ phong ông là "Người đàn ông của thế kỷ 20".
Nhà vật lý lỗi lạc từ trần vào ngày 18/4/1955 tại bệnh viện Princeton (bang New Jersey, Mỹ). Đúng 7 giờ sau khi Einstein qua đời, chuyên gia bệnh học Thomas Harvey cắt não của ông để bảo quản, với hy vọng rằng sự phát triển của khoa học thần kinh trong tương lai có thể giải thích được tại sao Einstein lại thông minh đến thế. Thomas nhận thấy não của Einstein không có điểm đặc biệt. Nó co lại theo tuổi tác và thậm chí còn nhỏ hơn một chút so với não đa số người thường.

 Lý thuyết của Einstein chứng minh ma có thật 

Thông tin: Những người săn ma tin rằng sự tồn tại của ma có thể được khẳng định bằng lý thuyết về năng lượng của Einstein
 Hằng đêm, nhiều nhóm săn ma trên thế giới vẫn lùng sục khắp các nhà kho, nhà bỏ hoang hay nghĩa địa để tìm ma. Họ thường mang theo các thiết bị điện tử mà họ tin là có thể giúp xác định nguồn năng lượng ma quỷ.
Dù các nhóm săn ma nỗ lực tìm kiếm nhiều năm nay, chúng ta vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn khẳng định sự tồn tại thực sự của ma quỷ. Nhiều người săn ma tin rằng sự tồn tại của ma có thể được khẳng định bằng vật lý học hiện đại. Đặc biệt, Albert Einstein, một trong những nhà khoa học lớn nhất mọi thời đại, cung cấp nền tảng khoa học cho sự tồn tại thực sự của ma quỷ.
Tìm kiếm trên Google cho thấy gần 8 triệu đường dẫn đến các trang đề cập tới mối liên hệ giữa ma và lý thuyết của Einstein về năng lượng. Sự khẳng định này cũng được nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này nhắc đến. Ví dụ, nhà nghiên cứu về ma quỷ John Kachuba, trong cuốn sách “Ghosthunters” (Những người săn ma, 2007), có viết: “Einstein chứng minh rằng mọi năng lượng trong vũ trụ là không đổi, và nó cũng không tự nhiên sinh ra hay mất đi… Vậy thì điều gì xảy ra khi con người chết đi? Nếu năng lượng của chúng ta không bị mất đi thì phải được chuyển hóa thành dạng năng lượng khác. Loại năng lượng mới đó là gì? Liệu chúng ta có thể gọi đó là ma hay không?
Nhóm nghiên cứu về ma mang tên Tri County Paranormal nói: “Albert Einstein nói rằng năng lượng không thể được tạo ra hay bị phá hủy, nó chỉ có thể chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Khi chúng ta còn sống, chúng ta có năng lượng điện trong cơ thể… Điều gì xảy ra với nguồn năng lượng giúp tim chúng ta đập và phổi hô hấp sau khi con người chết đi? Trả lời câu hỏi này thật không dễ dàng.
Chưa có bằng chứng chắc chắn khẳng định sự tồn tại thực sự của ma quỷ. (Ảnh minh họa)

 Tuy nhiên, câu trả lời lại rất đơn giản. Sau khi một người chết đi, năng lượng từ cơ thể người đó tỏa ra môi trường. Năng lượng cơ thể sau khi con người chết đi được giải phóng dưới dạng nhiệt, và được chuyển sang những động vật ăn xác người (ví dụ, những động vật hoang dã ăn xác người nếu người chết không được chôn cất, hay những côn trùng, vi khuẩn ăn xác sau khi tử thi được chôn), và những thực vật hấp thu chúng ta. Nếu con người được hỏa táng, năng lượng trong cơ thể được giải phóng dưới dạng nhiệt và ánh sáng.
Khi con người ăn thực vật và động vật, chúng ta hấp thu năng lượng của chúng và chuyển sang năng lượng để cơ thể con người sử dụng. Thức ăn được chuyển hóa sau khi cơ thể con người tiêu hóa, và các phản ứng hóa hóa giúp giải phóng năng lượng mà động vật cần để sống, di chuyển và sinh sản… Năng lượng đó không tồn tại dưới dạng sống, năng lượng ma hay điện từ, mà tồn tại dưới dạng năng lượng nhiệt và hóa học.
Nhiều người săn ma nói rằng họ có thể phát hiện ra điện trường mà ma quỷ tạo ra. Thực tế là những quá trình chuyển hóa của con người và những sinh vật khác cũng tạo ra những dòng điện yếu, nhưng những dòng điện này mất đi sau khi sinh vật chết. Vì khi nguồn năng lượng bị mất thì dòng điện cũng ngừng – giống như bóng đèn ngưng sáng sau khi chúng ta ngắt công tắc điện để tắt nguồn điện cung cấp.
Hầu hết năng lượng mà người chết để lại được tái nhập vào môi trường sau nhiều năm dưới dạng thức ăn; phần còn lại bị tiêu tan đi ngay sau khi chúng ta chết, và đây không phải là dạng mà chúng ta có thể phát hiện ra sau nhiều năm nhờ các thiết bị săn ma phổ biến hiện nay, như máy phát hiện điện trường (EMF). Những người săn ma viện dẫn lý thuyết của Einstein thực ra chỉ chứng tỏ họ hiểu biết chưa sâu sắc về khoa học cơ bản. Ma quỷ có thể thực sự tồn tại, nhưng bản thân Einstein hay lý thuyết của ông không khẳng định ma quỷ là có thật. 

Ly kỳ thiên tình sử của Einstein 

Thông tin: Một loạt lá thư của nhà bác học vĩ đại Albert Einstein vừa được trường ĐH Hebrew, Israel công bố đã hé mở những thiên tình sử phiêu lưu của ông với ít nhất 6 người tình và cô em họ.
Trong số những bóng hồng đi qua cuộc đời của Eistein có cả thiếu nữ tóc vàng mắt xanh người Áo, có quả phụ quyền quý giàu sang hay bà chủ tiệm hoa phong tình lãng mạn, thậm chí là nữ thư ký nết na dịu dàng…
Được biết đến là nhà bác học vĩ đại bậc nhất mọi thời đại, Albert Einstein còn là người đàn ông có sức hút kỳ lạ với phái yếu. Dù không sở hữu vẻ ngoài bóng bẩy, hào hoa như những quý ông điển trai thời ấy, thậm chí Eistein luôn đầu tóc rối xù, quần áo không mấy chỉn chu, đêm ngày vùi đầu vào những nghiên cứu vật lý, nhưng các cô gái vẫn xiêu lòng, mê đắm trước nhà bác học. Eitnstein có hai người vợ và ít nhất 6 mối tình với những phụ nữ nổi tiếng xinh đẹp.
Thiên tình sử lãng mạn của nhà khoa học người Đức dần được sáng tỏ khi hàng trăm bức thư ông viết cho gia đình được ĐH Hebrew, Israel, ngôi trường do chính ông sáng lập, công bố.
Các lá thư như là cuốn hồi ký sinh động về cuộc đời của nhà bác học. Einstein từng chịu nhiều bất hạnh trong cuộc hôn nhân đầu tiên vào năm 1903 với Mileva Maric, người phụ nữ lớn hơn ông bốn tuổi. Mối tình của họ gặp nhiều sóng gió ngay từ buổi đầu gặp gỡ, khi vấp phải sự phản đối gay gắt của gia đình. Sau khi ly hôn vào năm 1919, Einstein cưới người em họ Elsa Lowenthal để khỏa lấp nỗi buồn.
Nhưng bản tính đào hoa đã khiến nhà bác học nhanh chóng vướng vào “lưới tình” với nữ thư ký xinh đẹp. Cũng có thời gian ông bị cuốn hút bởi Bette Neumann, cháu gái của một người bạn. Thậm chí, ông còn muốn mang Neumann về chung sống với gia đình mình, nhưng rồi phát hiện ra không ai muốn chấp nhận người tình bé nhỏ của ông. Nhà bác học đành viết cho Neumann một bức thư ly biệt với lời lẽ đong đầy yêu thương.
Elsa Lowenthal và nhà bác học đào hoa.

 Chính Einstein cũng thẳng thắn thừa nhận chuyện ngoại tình với người vợ Elsa và con gái riêng Margot: “Một số phụ nữ theo đuổi tôi tới mức điên cuồng. Tôi không thể từ chối”. Trong số đó có cả bạn của Margot. Cô ta kém ông tới 15 tuổi, nhưng mê mẩn tới mức bám theo nhà khoa học sang Oxford, Anh. Năm 1931, Eisnstein gửi một lá thư dài cho con gái Margot. Ông đề cập tới người phụ nữ si tình này: “M. luôn bám theo cha, dường như rất khó kiểm soát. Nhưng cha sẽ yêu cầu cô ấy chấm dứt mọi chuyện. Trong số đó, kỳ thực cha chỉ thuộc về L. Cô ấy thật dễ gần, thân thiện và trong sáng. Cha không quan tâm mọi người bình luận gì về mình”. Người phụ nữ bí ẩn được Einstein đặt biệt danh “L” chính là quý bà giàu có Margarete Lenbach. Bà ta thường cho tài xế tới đón Einstein giữa đêm khuya. Cứ thế, hai người họ bí mật hẹn hò trong một thời gian dài.
Trong các bức thư của mình, Einstein cũng nhắc tới những phụ nữ khác từng đi qua cuộc đời ông, gồm Estella, Ethel, Toni và nữ điệp viên xinh đẹp người Nga Margarita.

 Riêng những lá thư thăm hỏi ân cần của Einstein dành cho các con đã toát lên sự thực, nhà bác học đào hoa ý thức rất rõ những khiếm khuyết trong con người mình. Ông luôn muốn trao gửi tình cảm nhớ thương, sự quan tâm tận tụy dành cho con cái qua các phong thư, như muốn bù đắp cho sự thiệt thòi trong cuộc sống mà các thiên thần bé nhỏ phải chịu đựng vì chính tính cách phong lưu, đào hoa của mình.

Hai kẽ hở dẫn tới nghi ngờ học thuyết Einstein 

Thông tin: Nhóm các nhà vật lý tuyên bố đã ghi nhận được tốc độ di chuyển của hạt neutrino nhanh hơn ánh sáng hồi cuối năm ngoái vừa phát hiện thấy lỗ hổng trong nghiên cứu của mình.
Bản thân các nhà khoa học tại CERN thừa nhận có một số kẽ hở trong phép đo của họ.

 Theo đó, có thể một dây cáp bị lỗi có thể đã ảnh hưởng đến kết quả đo lường, đại diện của CERN – nơi đặt máy gia tốc hạt Large Hadron Collider cho hay.
Thí nghiệm chấn động
Có thể nói, tuyên bố của CERN hồi tháng 9 năm ngoái đã đẩy giới khoa học toàn cầu vào một bầu không khí vừa chấn động, vừa hoài nghi, bởi nếu đúng, nó sẽ thổi bay Thuyết Tương đối năm 1905 của Einstein, vốn được coi là nền móng của vật lý học hiện đại. Einstein khẳng định, không có vật chất nào có thể di chuyển nhanh hơn ánh sáng trong môi trường chân không, bởi ánh sáng không có trọng lượng.
Các nhà khoa học tại LHC đã bắn một chùm tia neutrino từ cơ sở ở Geneva tới phòng thí nghiệm Gran Sasso trong dãy Alps thuộc Ý. Các hạt neutrino đã vượt qua quãng đường 450 dặm trước ánh sáng 60 nano giây (một nano giây bằng một phần tỷ giây).
Hai kẽ hở
Khi họ lặp lại thí nghiệm này lần hai (có tên mã là Opera) hai tháng sau đó để kiểm tra, họ cũng nhận được kết quả tương tự.
Tuy nhiên hôm 23/2 vừa qua, các tác giả này thông báo họ đã tìm thấy một số kẽ hở trong giả thuyết của mình. Một trong số đó là sự dao động của hệ thống định vị GPS được dùng để theo dõi đường đi của các hạt neutrino. Có thể đây chính là tác nhân rút ngắn thời gian di chuyển của các hạt neutrino.
Vấn đề thứ hai là cáp nối sợi quang, vốn kết nối tín hiệu GPS với đồng hồ chủ tại CERN để ghi lại kết quả. Thật không may, sợi cáp này có thể đã không “vận hành chính xác khi thí nghiệm được tiến hành”, họ cho biết.
Chờ tới tháng Năm
Trong thời gian tới, CERN sẽ tập trung nghiên cứu hai tác nhân này và dự đoán số liệu mới sẽ có thể được công bố trong tháng Năm.
Tháng Năm cũng là thời điểm mà một số phòng thí nghiệm khác ở Nhật và Mỹ sẽ công bố các kết quả thí nghiệm độc lập về hạt neutrino, vốn được tiến hành sau lời kêu gọi của CERN về việc xác thực hoặc phủ định kết quả của LHC. 
Công bố đời tư của thiên tài Albert Einstein 

Thông tin: Toàn bộ kho tài liệu lưu trữ của nhà bác học Albert Einstein, trong đó có nhiều bức thư tình gửi tới hàng chục người yêu, thư của người hâm mộ, giấy tờ chứa những dòng chữ nguệch ngoạc về các nghiên cứu mang tính chất đột phá đang được đưa lên mạng lần đầu tiên.
Bước đầu, ĐH Do Thái Jerusalem, cơ quan sở hữu các tài liệu của nhà vật lý người Đức gốc Do Thái, đã đưa được 2.000 tài liệu của nhà bác học Albert Einstein lên mạng nhằm giúp công chúng có được cái nhìn toàn diện hơn về người đàn ông đằng sau thiên tài khoa học.
Kho tài liệu bao gồm những giấy tờ ít được biết đến, trong đó có bức bưu thiếp gửi đến người mẹ đang ốm, những bức thư gửi cho người yêu, và một tập thư của người hâm mộ gửi đến để nói về kiểu tóc hoang dại của Einstein. “Cháu nhìn thấy ảnh của bác trên báo. Cháu nghĩ rằng bác nên đi cắt tóc,” một cố bé 6 tuổi viết.
Trong một bức, một nhà nghiên cứu viết: “Tôi đang làm một khảo sát khoa học để xác định xem tại sao các thiên tài thường để tóc dài”.
Thuyết tương đối nhà vật lý từng nhận giải Nobel tạo nên cuộc cách mạng trong khoa học.

 Vào thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ nhất, nhà khoa học Đức gốc Do Thái Fritz Bauer chỉ trích quyết định đến Mỹ để gây quỹ xây dựng ĐH Do Thái của Einstein. Bauer cáo buộc Einstein không trung thành với Đức.
Đáp lại, Einstein viết: “Dù tôi có suy nghĩ mang tính quốc tế, tôi vẫn luôn cảm thấy có nghĩa vụ trong quyền hạn của mình phải lên tiếng cho đồng bào bị áp bức và ngược đãi …điều này là hành động thể hiện sự trung thành chứ không phải không trung thành”.
Roni Grosz, người phụ trách kho tài liệu lưu trữ nói rằng, bức thư làm rõ những điều Einstein dành tâm huyết. Những người tị nạn Do Thái Đông Âu ở Đức trước đó không được học trong trường đại học vào thời kỳ sau Thế chiến I, và Einstein coi điều này là sự bất công.
“Ông không thể thay đổi điều này ở Đức, nên ông làm việc hết sức để tìm giải pháp khác – để giúp các thanh niên Do Thái giỏi giang được học trong một trường đại học ở Jerusalem,” Grozz nói.
Người phụ trách cho biết, ĐH Do Thái sẽ công bố bảng điểm của Einstein thời còn ngồi trên ghế nhà trường để hy vọng xóa bỏ niềm tin sai lầm của nhiều người rằng Einstein học kém khi còn là học sinh. Bức thư của Einstein gửi cho các nhà khoa học cũng nói lên rằng, nghiên cứu của Einstein đã đạt tới tầm tiến bộ như thế nào từ khi nhà bác học mới là chàng sinh viên 20 tuổi.
Trong tập tài liệu của Einstein cũng chứa những giấy tờ thể hiện sự hứng thú đối với các vấn đề xã hội, từ giải trừ vũ khí hạt nhân tới quyền của người Mỹ gốc Phi và cuộc xung đột Ả-rập – Do Thái.
Trong bức thư gửi tới một tờ báo Ả-rập trước khi nhà nước Israel được thành lập, Einstein đưa ra đề xuất hòa bình: một “hội đồng bí mật” gồm 8 thành viên bao gồm các nhà vật lý Ả-rập và Do Thái, quan tòa, tăng lữ, và đại diện của tầng lớp lao động sẽ đàm phán một sự dàn xếp xung đột vốn gây chia rẽ giữa hai bên.
Từ năm 2003 mới có 900 hình ảnh bản thảo viết tay của Einstein, và một danh sách không đầy đủ liệt kê các nội dung của kho tư liệu được đưa lên mạng. Giờ đây, với sự tài trợ của Quỹ Polonsky Foundation UK, cơ quan trước đây đã tài trợ để số hóa các tài liệu của Isaac Newton, tất cả 80.000 tài liệu của Einstein đã được phân loại và áp dụng công nghệ tham khảo chéo.

Trước <<-
     Albert Einstein 
    Albert Einstein 2
     Tổng hợp danh ngôn của Einstein

Nguồn: bacbaphi.com.vn, google.com

3 nhận xét:

Unknown nói...
lúc 13:36 2 tháng 10, 2012

rat hay cam on nhieu.gia nhu co them nhung noi anhtanh da toi de dien thuyet nua thi hay biet may

Unknown nói...
lúc 13:36 2 tháng 10, 2012

rat hay cam on nhieu.gia nhu co them nhung noi anhtanh da toi de dien thuyet nua thi hay biet may

Khoa Luu nói...
lúc 00:45 4 tháng 10, 2012

Cảm ơn bạn đã góp ý! Mình sẽ sưu tầm thêm.

Đăng nhận xét

» Cảm ơn bạn đã ghé qua blog và đọc bài viết.
» Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn hãy để lại một nhận xét.
» Nếu thấy bài viết hay hãy chia sẻ với những người quanh bạn.
» Rất cảm ơn những comment thiện ý.