Vnexpress-Phiên tòa giữa hai đại gia nước Mỹ đang làm nóng giới công nghệ bởi kết quả của nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các nguyên tắc trong phần mềm nguồn mở cũng như sự phát triển của nền tảng smartphone phổ biến nhất thế giới.
Oracle vs. Google: Vụ kiện lớn của làng công nghệ 2012. |
Google CEO Larry Page (trái) và Oracle CEO Larry Ellison sẽ có những tuần đấu trí căng thẳng tại tòa. |
'Binh đoàn' Android đang gặp khó vì chuyện bản quyền. |
Dường như các công ty công nghệ đang sử dụng bản quyền
như là vũ khí hủy diệt đối thủ. Trong số đó, cuộc đấu giữa Google và
Oracle được coi là "đại chiến" và đang được báo chí Mỹ đưa tin như thể
đây là những ngôi sao của làng giải trí.
Theo báo CNN, Oracle tuyên bố Google Android
vi phạm hai mẫu sáng chế và một vài bản quyền tác giả mà Oracle đang nắm
giữ liên quan đến phần mềm Java - ngôn ngữ lập trình rất thịnh hành
trong nhiều mảng công nghệ, từ điện thoại cho tới website.
Dù Java và Android đều là nền tảng mở, dù cả Google
lẫn Oracle về cơ bản đều không thu phí, các điều khoản về quyền sử dụng
lại rất phức tạp. Khi tác giả của Java là Sun Microsystems (được Oracle
mua lại năm 2010) biến Java thành phần mềm nguồn mở, họ đặt ra các giới
hạn nhất định cho phiên bản hoạt động trên thiết bị di động. Trong đó,
các công ty xây dựng trên nền tảng di động của Java phải mua quyền sử
dụng. Google đã đi đường vòng bằng cách tự phát triển một phiên bản
riêng để tránh phí bản quyền và vượt lên những giới hạn mà Sun từng đặt
ra.
Oracle lập tức lôi Google ra tòa - động thái mà giới
phân tích đã lường trước ngay khi biết tin hãng này quyết định thâu tóm
Sun. "Trong các cuộc họp sáp nhập giữa Sun và Oracle, tình hình bản
quyền giữa Sun và Google liên tục được đề cập đến và chúng tôi có thể
thấy ánh mắt hấp háy của các luật sư Oracle", James Gosling, một trong
những kỹ sư Java đầu tiên, viết tên blog vào ngày vụ kiện cáo xuất hiện
(12/8/2010).
Sau hơn 20 tháng ròng rã chuẩn bị núi tài liệu, phiên
tòa giữa hai gã khổng lồ của làng công nghệ cũng bắt đầu diễn ra tuần
này ở San Francisco (Mỹ) với thời gian "chưa thể dự đoán trước".
Google quả quyết họ xây dựng Android hoàn toàn "sạch",
không xâm phạm gì đến cả nguyên tắc mà Sun đề ra lẫn bản quyền mà
Oracle nắm giữ. Hãng này cho rằng tuyên bố của Oracle hoàn toàn sai sự
thực.
Nhưng Oracle lại nắm giữ bằng chứng quan trọng: e-mail
từ kỹ sư Tim Lindholm của Google gửi tới trưởng bộ phận Android là Andy
Rubin chỉ vài ngày trước khi Oracle đệ đơn kiện. Bức thư đó có nội
dung: "Chúng ta được yêu cầu (bởi Larry Page và Sergey Brin) xem xét các
phương án để thay thế những gì còn liên quan đến Java đang tồn tại
trong Android và Chrome. Chúng ta đang ngập ngụa trong chuyện này và nên
đàm phán mua bản quyền Java dựa trên những điều khoản mà chúng ta cần".
Khi được mời ra toà tuần này, Tim Lindholm, gia nhập Google năm 2005,
khẳng định ông "có liên quan rất ít đến Android".
Một chuyên gia khác, Joshua Bloch, từng làm việc tại
Sun trong 8 năm trước khi tới Google năm 2004, cũng được mời ra chứng
thực. Có 9 dòng mã rangeCheck trong Android giống trong Java. Bloch nói
rằng ông "không nhớ" có sao chép gì không, nhưng vì ông không chỉ tham
gia viết mã cho Android mà trước đó còn viết cho cả bộ phát triển Java
Development Kit nên phương pháp có thể giống nhau và "có vẻ như một vài
đoạn ông soạn cho Android thực ra là lấy từ mã của Sun".
9 dòng rangeCheck đó đã được gỡ bỏ khỏi từ phiên bản
Android 4.0 trở đi. Tuy đây chỉ là một tiểu tiết, nó cũng cho thấy
Google không hoàn toàn độc lập khi tạo Android, tức đảm bảo các kỹ sư
trong dự án không tham chiếu mã bản quyền của Sun hoặc Oracle. Theo
Bloch, cũng không ai ở Google từng đề cập đến chuyện liệu ông có phù hợp
để tham gia phát triển Android khi mà ông từng làm ở Sun.
Nếu thành công, Oracle có thể buộc Google trả hàng
chục triệu đô phí bản quyền và hàng trăm triệu khác trong thời gian tới.
Nhưng vấn đề không đơn giản như thế. Oracle rất giàu đó, ông chủ Larry
Ellison của nó cũng là người giàu thứ ba tại Mỹ với trị giá tài sản tới
33 tỷ USD trong năm 2011. Do đó, tiền bạc không phải động lực chính để
hãng này tốn công sức và thời gian đấu đá tại tòa.
Oracle tuyên chiến vì cảm thấy Android đang đe dọa nền
tảng Java - một tài sản lớn trong thương vụ 7,4 tỷ USD với Sun. Android
có thể chỉ là một phần (nền tảng di động) trong hệ thống ứng dụng rộng
lớn của Java. Tuy nhiên, mã được viết bằng ngôn ngữ Java lại không
thương thích với Android và khi Android bành trướng, nó sẽ đe dọa đến
tầm ảnh hưởng của Java.
Oracle không muốn giết chết Android, không muốn tiền
của Google, nhưng muốn hãng dịch vụ Internet Mỹ chơi theo luật Oracle và
đương nhiên trong đó có việc xây dựng Android tương thích với phần còn
lại trong "thế giới Java".
Đây là một sự "chơi khó" với cả Google và cộng đồng
Android vì nếu như vậy thì chẳng khác nào gần 500.000 ứng dụng hiện nay
sẽ phải được viết lại. Còn Oracle lại tin rằng điều đó hoàn toàn có lợi
cho giới phát triển vì họ sẽ có cơ hội viết ứng dụng trên giao diện lập
trình Java và hoàn toàn chạy được trên Android mà không cần phải đầu tư
viết riêng nữa.
Một nguyên nhân nữa là những công nghệ mới như HTML5
đang làm vai trò của Java trên web kém quan trọng hơn nên Oracle muốn
đảm bảo họ không để tuột mất thị trường di động đang bùng nổ và đầy
triển vọng.
Sau những gì diễn ra tại tòa, lợi thế có vẻ đang
nghiêng về Oracle, tuy nhiên sẽ còn rất lâu nữa mới tòa án mới đi đến
kết luận cuối cùng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
» Cảm ơn bạn đã ghé qua blog và đọc bài viết.
» Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn hãy để lại một nhận xét.
» Nếu thấy bài viết hay hãy chia sẻ với những người quanh bạn.
» Rất cảm ơn những comment thiện ý.