Tinhte-4G là một trong những từ được nhắc đến nhiều nhất trong thế giới công nghệ di động hiện nay. Được nhắc đến lần đầu tiên từ cuối năm 2009, nhưng mãi đến những tháng cuối năm 2010 đầu 2011, khái niệm này mới trở thật sự trở nên phổ biến. Hàng loạt nhà mạng lớn trên khắp thế giới đang và sẽ giới thiệu các gói cước 4G, cùng với đó là sự hậu thuẫn về phần cứng của nhiều ông lớn di động như HTC, Samsung..., tất cả cùng tạo nên một "cơn sóng thần" tràn qua thị trường di động.


Tại Mỹ, Sprint là nhà mạng đầu tiên giới thiệu 4G, bởi vì lúc đó HSPA+ vẫn chỉ là một cách gọi khác của 3G. Verizon chuẩn bị ra mắt thiết bị 4G đầu tiên - HTC ThunderBolt, trong khi AT&T đang tích cực thay thế mạng HPSA+ 4G bằng mạng LTE 4G trong năm nay.

Cách đây không lâu, 4G vẫn bị xem là một "chuyện hoang đường" nếu xét về thực tế phát triển của công nghệ di động. Hiệp hội viễn thông quốc tế (ITU) định nghĩa 4G là dịch vụ mạng cho phép tốc độ tải cao nhất đạt xấp xỉ 100Mbps cho điện thoại di động và 1Gbps cho các thiết bị ít di động. Tất cả các dịch vụ thực tế hiện nay nhưLTEWiMAX và HPSA+ chưa đủ tiêu chuẩn theo định nghĩa này. Tuy nhiên, do các nhà mạng đã đầu tư hàng tỷ đô la vào R&D và quảng cáo, nên ITU gần đây đã có chút "điều chỉnh" trong cách định nghĩa mạng 4G để đảm bảo những công nghệ kể trên được công nhận là 4G.

Bỏ qua các khái niệm lý thuyết, chúng ta đều nhận thấy công nghệ 4G như LTE và WiMAX sớm muộn cũng sẽ chiếm lĩnh thị trường, bởi các nhà mạng đã đổ hàng đống tiền vào đấy rồi. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn cần được trả lời, đó là Tốc độ! Theo một thử nghiệm tốc độ được thực hiện tại Mỹ gần đây, tốc độ HSPA+ của T-Mobile thậm chí còn nhanh hơn những công nghệ 4G mới nhất, như vậy chúng ta có thật sự cần 4G hay không? Câu trả lời vẫn sẽ là Có!

Dù những gì 4G đang làm hiện nay chưa thật sự ấn tượng, nhưng nó có nhiều tiềm năng để vượt qua những công nghệ cũ như CDMA, EDGE, EV-DO và HSPA. Với việc sử dụng những công nghệ mới như Dồn kênh phân tầng trực giao (OFDM) và Đa nhập đa xuất (MIMO), hệ thống ăng ten phát sóng di động sẽ có khả năng phủ sóng rộng hơn, và quan trọng nhất là nâng cao dung lượng truyền tải.

Cứ thử tưởng tượng mạng di động giống như một đường cao tốc. Mạng 3G hiện nay là một đường cao tốc 2 chiều, mỗi chiều 3 làn xe. Vào giờ thấp điểm, lưu thông được thực hiện rất dễ dàng, nhưng sự cố sẽ xảy ra vào giờ cao điểm khi lưu lượng tăng đột biến. Với mạng 4G, ta có một đường cao tốc 2 chiều với mỗi chiều có 10 làn xe. Mặc dù tốc độ lưu thông tối đa vẫn giữ nguyên, nhưng nhờ vào số lượng làn tăng lên, tình trạng nghẽn mạng sẽ không xảy ra nữa.

Tóm lại, với 4G, mọi thứ vẫn đang ở phía trước. Phần lớn các nhà mạng di động trên thế giới hiện nay vẫn đang khai thác tối đa hiệu quả của công nghệ 3G. Khi nào 4G sẽ chiếm ngôi và đẩy 3G vào quá khứ, tất cả phụ thuộc vào sự phát triển của công nghệ và trên hết là nhu cầu của người dùng.