Tinhte-Do vấn đề về thời gian thu thập tin tức về tablet và các vụ kiện cho 2 phần còn lại của bài lần trước và cũng nhằm giảm bớt tình trạng tranh cãi hoàn toàn vô bổ của các fan, tôi xin viết song song với một đề tài mới để các bạn thư giãn chờ đợi phần kế tiếp nói về tablet (bạn nào không thích thì hoàn toàn có quyền không đọc). Lần này xin nói đến nội dung "DO ĐÂU CÁC NGƯỜI KHỔNG LỒ CÔNG NGHIỆP NHẬT BẢN ĐANG DẦN SUY YẾU", được chia ra 4 kỳ. Xin khuyến cáo các fan của các hãng điện tử Hàn Quốc đọc cũng đừng nên khiêu khích tranh cãi, cám ơn!
Phần I - Các giai đoạn hình thành một số tên tuổi lớn và các đóng góp cho ngành công nghiệp điện tử của nhân loại.
Nhật Bản là đất nước nằm hoàn toàn tách rời khỏi lục địa gồm các hòn đảo, nổi tiếng với việc hàng năm phải đối mặt với hàng chục đến hàng trăm trận động đất lớn nhỏ, tài nguyên thiên nhiên hoàn toàn rất ít, dân số lại khá đông (đứng thứ 10 trên thế giới) trong 1 đất nước chỉ có núi và 4 mặt giáp biển (diện tích đứng trên Việt Nam 4 bậc, thứ 62 trên thế giới). Có lẽ do hoàn cảnh khắc nghiệt này đã hình thành nên tính cách chăm chỉ, cần mẫn cùng việc rất chịu khó học hỏi cái hay của người khác nếu họ không muốn được ăn no mặc sướng tại đất nước nghèo tài nguyên này. Bên cạnh đó "cứng đầu, hẹp hòi" cũng là đặc trưng rất rõ nét của người Nhật. Nhưng nhờ những đức tính này mà người Nhật đã làm 1 điều ít người phương Tây nào nghĩ tới: họ không làm thì thôi, nhưng những gì vô tay họ thì họ sẽ biến chúng tốt hơn hẳn những thứ có sẵn đó.
Và thế giới đồ công nghệ điện tử tiêu dùng, xe hơi, đường sắt là những dẫn chứng không thể chối cãi. Từ tivi, tủ lạnh, âm thanh, máy ảnh, máy giặt, điện thoại, xe 2 bánh, 4 bánh, xe điện... được khắp nơi trên thế giới công nhận công nghệ được Nhật áp dụng vào sản xuất đều thuộc hàng tiên tiến và tốt nhất. Hiện tại có lẽ bạn chưa biết, trên thế giới có 2 nước mà điều kiện nhập khẩu khắc nghiệt nhất chính là Nhật và Thụy Sĩ. Nếu 1 nước A vượt qua được tiêu chuẩn nhập khẩu của 2 nước này thì có thể dễ dàng bán hàng vô bất kỳ thị trường nào, kể cả Mỹ, nhưng ngược lại, đồ được châu Âu hay Mỹ chấp thuận cho nhập khẩu chưa chắc được Nhật hay Thụy Sĩ gật đầu. Nói đến điều này để bạn có thể hình dung người Nhật "khó tính" ra sao đối với chất lượng 1 sản phẩm. Nhưng do đâu chỉ trong vòng gần 10 năm trở lại đây, nhiều hãng sản xuất của họ bỗng nhiên trì trệ, tuột dốc về thị phần cùng việc thua lỗ qua từng năm, bị các đồng nghiệp bên nước láng giềng đuổi kịp và vượt qua thị phần trên thế giới một số ngành nghề?
Do hiện tại tôi không còn ở Nhật, những sự việc gần đây được đề cập trong bài (chủ yếu trong phần cuối) là từ 1 số nguồn của báo chí Nhật, một số kinh nghiệm khi còn sống tại Nhật, cùng với thông tin của các người bạn Nhật trao đổi với tôi, vì vậy thiếu sót là điều không tránh khỏi. Xin nói trước bản thân tôi do đã từng sống gần 10 năm tại Tokyo, nên tình cảm tôi dành cho các hãng công nghệ của Nhật sẽ tốt hơn nhiều so với các nước khác, một chút thiên vị cũng sẽ không tránh khỏi trong bài viết này.
Các hãng công nghệ của Nhật chính thức bùng nổ lúc nào? Do đâu họ lại có thể khiến "tây mũi lỏ" cúi đầu bái phục trước các sản phẩm của một nước châu Á, điều mà hầu như không nước châu Á nào làm được trong nền công nghiệp hiện đại?1. Khởi nguồn cho ngành công nghiệp của cả Nhật Bản là Mitsubishi, thành lập năm 1870, 2 năm sau khi Nhật bước qua thời kỳ Meiji:Mitsubishi chủ yếu vẫn nằm trong ngành công nghiệp nặng là chính, một số máy bay, tàu chiến của Nhật trong thế chiến thứ 2 đều do công ty này đảm nhiệm. Dù hiện nay chúng ta thấy Mitsubishi không quá nổi trội trong công nghiệp xe hơi, điện tử, nhưng Mitsubishi là 1 trong 4 trụ cột chống đỡ cho cả nền kinh tế Nhật cho đến năm 1949 khi chính phủ sau thế chiến thứ 2 giải tán quyền lực của bộ tứ này, 3 tập đoàn tài phiệt còn lại là Mitsui, Sumitomo và Yasuda. {Bên lề một chút: hiện tại Mitsubishi vẫn chi phối rất lớn đến kinh tế, tài chính cả nước Nhật, bên cạnh tập đoàn ngân hàng Mitsui Sumitomo (2 tập đoàn cũ sáp nhập lại sau vụ suy thoái bong bóng kinh tế châu Á), Mizuho và tập đoàn công nghiệp nặng Kawasaki}.
Quay lại vấn đề thành lập các công ty lớn của Nhật thời điểm này, năm 1887 Yamaha thành lập nhưng chỉ tập trung chủ yếu vào công nghiệp âm nhạc trong giai đoạn đầu (Người Việt biết đến Yamaha chủ yếu qua xe gắn máy 2 bánh, nhưng Yamaha nổi tiếng trong thế giới âm nhạc hơn khi họ hiện tại là công ty sản xuất dụng cụ cho âm nhạc lớn nhất thế giới). Đến năm 1899, NEC thành lập trực thuộc tập đoàn tài phiệt Sumitomo, cùng với Toshiba (1904), Sharp (1912), Matsushita (1918) (tên chính thức của Panasonic tại Nhật), Hitachi (1910), JVC (1927), là những công ty đàn anh đặt nền móng cho các công ty điện tử đàn em khác mọc lên một cách nhanh chóng sau thế chiến thứ 2. Cũng giống vậy với Suzuki (1909), Nissan (1934) và Toyota (1937) cũng góp phần quan trọng đặt nền móng cho ngành công nghiệp xe hơi của Nhật. Còn một số hãng nổi tiếng khác lâu đời hơn, nhưng do liên tiền thân thành lập với mục đích phục vụ cho chính phủ của Nhật trong chiến tranh hay chủ yếu sản xuất các loại xe công nông nên tôi không đề cập tới, như Isuzu (1916), Komatsu (1917), Mazda (1920, sau chiến tranh hãng này mới tập trung vào sản xuất ô tô dân dụng và không còn liên quan đến chính phủ), Daihatsu (1907, hãng sản xuất xe ô tô lâu đời nhất của Nhật). Thời kỳ đầu thế kỷ 19 đến trước khi Nhật tham chiến ở WW2 là thời kỳ mà chính phủ Nhật đẩy mạnh việc ủng hộ các nơi thành lập các hãng công nghiệp ở mọi phân khúc, thúc đẩy các kỹ sư của họ học hỏi mọi điều từ phương Tây, nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật của Nhật để chuẩn bị cho cuộc chiến. Còn rất nhiều hãng nổi tiếng khác thành lập trước cuộc chiến như Nikon (1917), Olympus (1919), Daikin (1924), Fujitsu (1925), Canon (1937)...
Có lẽ bạn nghĩ rằng tôi điên, nhưng nếu không có chuyện Nhật tham dự thế chiến thứ 2 và bại trận thì có lẽ họ không thể tạo được đất nước Nhật nổi tiếng và lớn mạnh về kinh tế như ngày nay. Chính việc tham chiến, bại trận, đất nước bị tàn phá khắp nơi cùng với việc nợ chiến tranh ngập đầu đã khiến người Nhật vực dậy tinh thần "Samurai" không chịu khuất phục thấm sâu trong máu họ qua từng thế hệ. Sau chiến tranh, ngoài các hãng đã có tên tuổi nhất định tại Nhật, lần lượt đàn em các hãng này như Sony (1946), Pioneer (1947), Honda (1948), Sanyo (1950), Casio (1957)... ra đời, thổi làn gió mới rất đúng lúc vào nền công nghiệp đang gặp tổn thất nặng của Nhật.
2. Nếu ai đã từng qua nước này học tập hay làm việc, từng biết sơ qua từng thời kỳ của Nhật như Edo, Meiji, Taisho, Showa và hiện nay là Heisei, thì chắc chắn biết rằng thời kỳ đen tối nhất, nghèo đói nhất của Nhật trong lịch sử hiện đại chính là 5 năm đầu sau chiến tranh:Mỗi người Nhật bất kể già trẻ lớn bé đều gồng mình làm việc để kiếm sống, cùng việc phải hỗ trợ chính phủ mới tái thiết đất nước cùng nợ nần phải trả cho các bên thắng trận. Có thể nói Việt Nam may mắn hơn nhiều bởi sau khi độc lập không hề phải trả nợ về vật chất cho Nga, Trung Quốc (vấn đề nhạy cảm nên không nói thêm, bởi Việt Nam chỉ là nơi tập bắn cho XHCN và Mỹ chơi trò chiến tranh lạnh). Ngược lại Nhật có lợi thế khi Meiji là thời điểm chuyển giao của Nhật từ nước đóng kín với bên ngoài, nông nghiệp là chính, thế hệ chính phủ Meiji đã biến Nhật trở thành nước mở với mọi quốc gia khác và hình thành dần là 1 nước công nghiệp kiểu phương Tây chính gốc.
Nhờ có hơn 60 năm kinh nghiệm trong công nghiệp cùng với kỹ thuật do phương Tây mang lại, Nhật dễ dàng vực dậy hơn Việt Nam sau chiến tranh (chính phủ cũng là 1 điểm quan trọng nhất nhì để đạt được điều này, hơi nhạy cảm, ha ha!). Một điểm lợi rất lớn khác chính là việc Mỹ và phương Tây phải trợ giúp Nhật về mặt kỹ thuật trong giai đoạn này. Đây là điều kiện Nhật yêu cầu đổi lại việc Mỹ muốn đóng quân tại đây cùng mọi chi phí cho toàn bộ lính Mỹ trên nước Nhật sẽ do chính phủ nước này tài trợ 100%, coi như là việc đền bù chiến tranh cho phía Mỹ. Nói đến đây có lẽ bạn sẽ cho rằng "Nhật được giúp đỡ như vậy thì quá dễ để phát triển như ngày nay". Nhìn vào lý thuyết và nói thì rất dễ, nhưng thực tế không phải dân tộc nào cũng làm được. Singapore độc lập năm 1965 và cho đến tận bây giờ sau gần 47 năm, họ vẫn chưa đạt tới 70% của Nhật những năm 70; Hàn Quốc đình chiến với Triều Tiên từ 1953 đến nay đã gần 59 năm, họ vẫn chỉ nằm thứ 15 trên thế giới về kinh tế; Đức, tương đối giống Nhật cùng là kẻ bại trận, điểm xuất phát tốt hơn Nhật gấp trăm lần vì vẫn là cường quốc số 1 thế giới về kỹ thuật công nghiệp cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nhưng vẫn bị 1 quốc gia châu Á dắt mũi về kinh tế cho đến tận hiện tại. Kết thúc chiến tranh năm 1945, bị tàn phá, nghèo đói, thua hầu hết các nước phương Tây về sự giàu có, tài nguyên cùng kỹ thuật, nhưng chỉ cần đúng 23 năm, tức năm 1968 Nhật là quốc gia châu Á duy nhất nằm trong top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, không những vậy, họ vượt hết mọi quốc gia châu Âu khác và chễm chệ ngồi vị trí thứ 2 sau Mỹ thời điểm này. Vị trí thứ 2 của họ chỉ bị mất vào tay Trung Quốc vào năm ngoái. Đoạn này không liên quan đến nội dung chính là nói về các hãng công nghiệp của Nhật, nhưng đoạn lịch sử này có thể giúp bạn phần nào hiểu rõ hơn tại sao phương Tây phải cúi đầu thán phục với 1 quốc gia châu Á duy nhất cho đến tận ngày nay. Và nó giúp những ai cho rằng "Nhật nhờ sự trợ giúp của Mỹ cùng kỹ thuật công nghiệp có sẵn của họ nên mới được như vậy" sẽ thay đổi cách nhìn sai lệch của mình.
Trong ba điều kiện tiên quyết "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" thì Nhật lúc bấy giờ chỉ đạt 2 điều là thiên thời và nhân hòa, chưa bao giờ họ có được địa lợi, nếu bạn 1 lần qua Nhật sẽ biết tại sao tôi nói vậy. Chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh lạnh cùng chiến tranh Việt Nam, Tokyo Olympic 1964 là thiên thời. Nhưng con người Nhật Bản (nhân hòa) mới là yếu tố quyết định tất cả. Bởi như dẫn chứng bên trên, nhiều quốc gia khác có điểm xuất phát tốt hơn Nhật nhiều lần nhưng dân tộc họ vẫn không làm được "điều thần kỳ" như người Nhật từng làm.
3. Quay lại nội dung phần đầu bài viết, những hãng công nghiệp trên đã tạo ra những gì giúp cho họ vang danh thời bấy giờ đến tận ngày nay?
Mitsubishi (1870): Đây là tập đoàn lớn nhất của Nhật, Mitsubishi tham gia vào mọi lĩnh vực của xã hội Nhật như quân sự, công nghiệp nặng, nhẹ, xe hơi, năng lượng, dầu hỏa, khoa học, hàng không vũ trụ, điện tử, điện toán, điện ảnh, du lịch, ngân hàng, địa ốc, tài chính, xây dựng, dịch vụ, bảo hiểm... Mitsubishi không phải là nhà phát minh như các hãng công nghiệp khác của Nhật, nhưng đây lại là tập đoàn nắm giữ quyền lực rất lớn, có tiếng nói ảnh hưởng nhất định đối với chính phủ Nhật Bản từ khi hãng thành lập tới lúc bị bãi bỏ quyền lực của 4 tập đoàn tài phiệt chính của Nhật vào năm 1949. Cho dù kể từ năm 1949, Mitsubishi không còn dính dáng tới chính phủ, hoạt động độc lập như bao tập đoàn khác nhưng do cái gốc của tập đoàn này vẫn quá lớn, nên hoạt động của họ vẫn ảnh hưởng rất nhiều đến cả nền kinh tế Nhật. Tập đoàn Mitsubishi có rất rất nhiều công ty con do hãng tham gia hầu hết mọi ngành nghề của xã hội, ít ai biết đến một trong số công ty con đó chính là hãng sản xuất máy ảnh lẫy lừng trên thế giới: Nikon.
Nếu như tập đoàn mẹ không quá nổi trội trong nhiều lĩnh vực khác thì 2 công ty con nổi bật nhất của Mitsubishi Group chính là Nikon và Bank of Tokyo Mitsubishi UFJ, một hãng là nhà sản xuất digital camera lớn thứ 2 trên thế giới (thời máy film thì Nikon đứng trên Canon), cái tên còn lại là ngân hàng lớn nhất Nhật Bản và lớn thứ ba trên thế giới. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng hãng cũng tạo ra những sản phẩm khá nổi trội như đây là hãng chế tạo ra chiếc xe ô tô chở khách đầu tiên của Nhật mang tên Mitsubishi Model A vào năm 1917 dựa vào thiết kế của chiếc Fiat A3-3. Người Việt có lẽ chỉ biết đến Mitsubishi qua những chiếc ô tô bình dân bán trong nước, nhưng Mitsubishi mới thật sự nổi tiếng trong lĩnh vực công nghiệp nặng của thế giới. Đây cũng là nhà chế tạo và sản xuất động cơ cho máy bay phản lực, máy bay thương mại của Nhật. Loại máy bay mới nhất của Boing là 787 cũng có phần của Mitsubishi, đây là hãng đảm nhiệm khâu chế tạo và lắp ráp bộ phận quan trọng nhất của máy bay chính là 2 cánh. Cuối năm 2010, Mitsubishi bắt đầu thực hiện kế hoạch chế tạo máy bay thương mại loại vừa chứa khoảng 70-90 hành khách, hoàn toàn được chế tạo tại Nhật. Dự kiến trong năm nay sẽ mở chuyến bay thử đầu tiên.
Toshiba (1904): được xem như là 1 GE của châu Á khi hầu hết các phát minh về đồ điện tại quốc gia này đều xuất phát từ Toshiba. Được hình thành do 2 công ty khác nhau sáp nhập lại vào năm 1939, thực chất khởi đầu cho Toshiba là do Hisashige Tanaka mở công ty sản xuất thiết bị telegraphic năm 1875 mang tên Tanaka Seijo-Sho. Năm 1904, công ty này đổi tên thành Shibaura Seisaku-Sho, trở thành công ty lớn nhất chuyên sản xuất các khí cụ điện hạng nặng tại Nhật. Năm 1890, ông tổ phát minh về điện của Nhật (được mệnh danh là Thomas Edition của châu Á) là Ichisuke Fujioka cùng 1 kỹ sư khác là Shoichi Miyoshi thành lập công ty Hakunetsu-sha và đây là công ty đầu tiên của châu Á sản xuất ra đèn dây tóc. Đến năm 1899 công ty này đổi tên thành Tokyo Denki. Năm 1939, hai công ty hàng đầu trong 2 lĩnh vực khác nhau về điện đã sáp nhập lại với cái tên Tokyo Shibaura Denki, mà sau này được gọi ngắn gọn là Toshiba. Một trong 2 công ty tiền thân của Toshiba là Hakunetsu-sha đã phát minh 2 công nghệ được cả thế giới biết đến chính là double-coil electric bulb (đèn dây tóc dây điện đôi?) năm 1921 và the interior frosted electric bulb (đèn dây tóc bóng mờ?) năm 1925, đây là 2 trong 6 phát minh vĩ đại nhất của thế giới về công nghệ đèn điện. Làm ra tủ lạnh và máy giặt đầu tiên tại Nhật và cũng là đầu tiên tại châu Á năm 1930.
Một năm sau chiếc máy hút bụi đầu tiên của châu Á cũng xuất phát từ hãng này. Lần lượt các năm 1940, 1942 hãng sản xuất ra đèn huỳnh quang và radar đầu tiên của Nhật. Nồi cơm điện đầu tiên của thế giới được bán ra năm 1955. Phát triển lò vi ba (microwave oven) đầu tiên của châu Á năm 1959. Tháng 7 năm 1960, chiếc tivi màu đầu tiên của châu Á được Toshiba bán ra biến Nhật là nước thứ hai trên thế giới sau Mỹ sản xuất ra tivi màu. 2 tháng sau đài NHK lần đầu tiên phát sóng truyền hình màu, Nhật trở thành nước thứ ba phát sóng chương trình tivi màu sau Mỹ (1954) và Cuba (1958). Phát triển video phone màu đầu tiên trên thế giới năm 1970. Giới thiệu máy tính cá nhân thương mại (laptop personal computers) đầu tiên trên thế giới năm 1985. Ngày nay, hãng này vẫn không ngừng đi đầu trong một số công nghệ về bộ nhớ, tivi, năng lượng.
Tủ lạnh đầu tiên của châu Á
Nồi cơm điện đầu tiên trên thế giới
Tivi màu đầu tiên của châu Á
Microwave oven đầu tiên của châu Á (chuyên dùng trong công nghiệp)
Laptop sản xuất thương mại đầu tiên trên thế giới
JVC (1927): làm ra tivi thô sơ đầu tiên tại Nhật trong thời WW2 năm 1939, nhưng tivi này không được thương mại hóa, chỉ phục vụ trong quân đội hay cho Nhật Hoàng. Không ai có thể quên từ thập niên 70 thế kỷ 20 đến tận đầu thế kỷ 21, băng hình và đầu đọc VHS sử dụng trên toàn thế giới là do hãng này phát minh ra. Dự án VHS (Video Home System) được JVC thành lập năm 1971, sau đó Matsushita và Sony cũng tham gia vào nghiên cứu, nhưng không lâu sau cả 2 hãng này đều tách ra tự làm dự án riêng là VX và Betamax. Cũng phải nói rằng hãng này có chút may mắn khi họ đã thuyết phục được Matsushita quay lại ủng hộ chuẩn VHS này, bởi khi đó Matsushita đã là hãng điện tử lớn nhất Nhật Bản, cùng với việc Mitsubishi và Sharp cũng đồng ủng hộ JVC sau khi Matsushita chống lưng cho VHS, JVC mới có đủ sức mạnh đối chọi trên cơ Betamax của Sony. Đầu phát băng VHS đầu tiên trên thế giới Victor GR-3300 được giới thiệu vào tháng 9 năm 1976 và bán ra cuối tháng 10 năm đó. Vài năm sau khi đối chọi với Betamax của Sony về chuẩn băng từ của thế giới, JVC bán ra chiếc video camcorder GR-C1 sử dụng băng VHS đầu tiên trên thế giới (trễ hơn vài tháng so với chiếc camcorder đầu tiên trên thế giới của Sony) năm 1984. Đây được xem như sản phẩm giúp JVC chính thức xóa sổ băng từ Betamax của Sony.
Tivi (máy chiếu thì chính xác hơn) đầu tiên của châu Á
Đầu VHS Victor GR-3300 đầu tiên trên thế giới
Máy video camcorder thứ 2 trên thế giới và là máy camcorder VHS đầu tiên
Sharp (1912): người phương Tây tạo ra công nghệ tivi trước hết, nhưng chính người Nhật mới là người đem tivi phổ biến toàn cầu, Sharp chính là 1 trong số các hãng làm nên thành tích này. Họ bán ra tivi thương mại trắng đen 14 inch đầu tiên của Nhật và châu Á tháng 1 năm 1953, giá lúc đó tới 175.000¥ (theo mệnh giá năm 2012 là khoảng 2.200$). Bán ra lò vi ba thương mại dùng trong gia đình đầu tiên của châu Á năm 1962 (Fan của Samsung làm ơn đừng lầm tưởng là do Samsung phát minh ra cái này). Máy tính điện tử (calculator) hoàn toàn sử dụng transistor-diode đầu tiên trên thế giới năm 1964. Máy tính điện tử có màn hình LCD trắng đen (giống máy tính Casio mà chúng ta hay dùng) đầu tiên của thế giới do hãng này làm ra năm 1973.
Sharp là công ty đầu tiên trên thế giới thành công trong việc chế tạo film EL panel mỏng nhất năm 1984, và chúng được US Space Shuttle đưa vào sử dụng. Năm 1986 Sharp thành lập nhóm phát triển và nghiên cứu màn hình LCD và từ năm 1987 tên của hãng này dính liền với công nghệ LCD. Năm 1988, chiếc màn hình màu TFT LCD đầu tiên của thế giới do Sharp làm ra, với 14 inch và chỉ dày 2,7 cm. Năm 1991, tivi TFT LCD màu đầu tiên trên thế giới được làm ra, chỉ 8,6 inch nhưng lại là tivi LCD lớn nhất lúc bấy giờ. Năm 1992 là lúc Sharp sản xuất ra những LCD ViewCam đầu tiên trên thế giới, nếu ai còn nhớ thì đây là thời điểm các video camera cầm tay với màn hình to đùng ở mặt sau rất thịnh hành trên thế giới. Từ năm 1993 là thời điểm LCD phát triển và Sharp được cả thế giới gắn cho câu "LCD is Sharp". Cho đến hiện tại tuy Sharp kinh doanh không còn thuận lợi như trước (lý do xin xem trong phần 4) nhưng họ vẫn dẫn đầu thế giới về các công nghệ của chất lượng màn hình LCD. Ngoài lĩnh vực LCD nổi tiếng khắp thế giới, Sharp còn là hãng chế tạo điện thoại di động lớn nhất Nhật Bản hiện nay. Tháng 11 năm 2000, chiếc di động tích hợp digital camera với màn hình màu đầu tiên trên thế giới được Sharp và nhà mạng J-Phone (hiện nay là Softbank) bán ra mang tên J-SH04, và chỉ bán duy nhất tại Nhật.
Tivi đầu tiên của châu Á
Lò vi ba gia dụng đầu tiên của châu Á
Máy tính điện tử transistor-diode đầu tiên trên thế giới
Máy tính cầm tay màn hình LCD đầu tiên trên thế giới
Máy quay viewcam đầu tiên trên thế giới
Chiếc điện thoại digital camera đầu tiên trên thế giới
Hitachi (1910): là hãng chủ yếu chế tạo ra các bộ phận truyền dẫn, turbine, biến áp, máy phát điện trong công nghiệp nặng những năm đầu thành lập công ty tới cuối những năm 50. Từ thập kỷ 60 đến 80 thì hãng này vẫn chủ yếu tập trung sản xuất các loại động cho xe điện, xe Shinkansen, các hệ thống điện máy công nghiệp nặng bên cạnh bắt đầu tham gia vào các sản phẩm điện gia dụng. Năm 1993, phát triển thành công đầu máy Shinkansen với tốc độ 270km/h. Kể từ đầu thập niên 90 đến nay thì Hitachi đã đẩy mạnh việc sản xuất màn hình và tivi LCD cùng các bộ phận của máy vi tính như IC chip, HDD. Trong thế giới LCD có lẽ Hitachi nổi bật nhất là việc họ cho ra đời công nghệ IPS-LCD năm 1995, sau 1 năm thì hầu như mọi hãng sản xuất tivi trên thế giới đều áp dụng công nghệ này vào sản phẩm thương mại. Năm 1947, Hitachi mở ra 1 công ty con mang tên Maxell, đây được xem là một trong hai công ty nổi tiếng nhất của Nhật về chất lượng sản xuất băng cassette, dĩa floppy, CD, DVD bên cạnh TDK. Maxell là công ty sản xuất ra băng cassette (1966) và dĩa floppy 8 inch (1976) đầu tiên tại Nhật. Ngoài ra Maxell là đối thủ trực tiếp của Sanyo và National trên thị trường battery.
Matsushita (Panasonic) (1918): là 1 trong số các hãng điện tử lâu đời nhất của Nhật, nhưng Matsushita lại không phải là hãng có nhiều phát minh của đồ điện thế giới. Tuy nhiên, đây lại là công ty thành công nhất trong lĩnh vực kinh doanh đồ điện tử và điện gia dụng. Cái tên National được đặt cho các sản phẩm do Matsushita làm ra năm 1927. Nếu như Toshiba chế tạo ra đầu tiên nhiều loại đồ điện gia dụng nhưng với giá trên trời tại thời điểm đó, thì National chính là những sản phẩm được biết đến nhiều nhất với giá rẻ hơn so với nhà phát minh Toshiba. Đồ điện gia dụng của họ vừa có giá thành không cao như Toshiba mà lại bền hơn nên giúp cho Matsushita kinh doanh phất lên như diều gặp gió. Nếu National là nhãn hiệu đại diện đồ điện gia dụng tại Nhật thì đến 1955, cái tên Panasonic mới chính thức được Matsushita sử dụng khi họ lần đầu tiên xuất khẩu audio speaker và bóng đèn điện. Kể từ đó, Panasonic như một thương hiệu riêng của Matsushita trong các sản phẩm xuất khẩu, chủ yếu là đồ điện tử về âm thanh, hình ảnh, sau này bao gồm cả máy vi tính. Máy rửa chén dĩa MR-500 được Matsushita chế tạo đầu tiên tại Nhật năm 1960 được xem như là 1 trong những phát minh hiếm hoi của họ. Vào năm 1961, Konosuke Matsushita (người sáng lập ra Matsushita Group) khi qua Mỹ đã ký được hợp đồng xuất khẩu tivi của họ cho thị trường này dưới cái tên Panasonic đã đăng ký nhãn hiệu tại đây.
Đến năm 1979 thì Panasonic mở rộng thị trường sang châu Âu và từ đây cái tên Panasonic đi kèm với Sony là 2 nhãn hiệu đồ điện tử của Nhật được toàn cầu biết đến. Và gần như 2 cái tên này vô địch không đối thủ trong thập kỷ 80, 90 và vài năm đầu thế kỷ 21. Nhưng Matsushita không dừng lại với nhãn hiệu Panasonic, họ muốn những tinh hoa của National cũng được mọi người trên thế giới biết đến, vì vậy National cũng được xuất khẩu song song với Panasonic nhưng chủ yếu là về tủ lạnh, quạt máy, máy giặt, nồi cơm điện... nói chung là những thiết bị không thể thiếu cho các bà nội trợ. Tuy nhiên, cũng có nhiều tivi hay thiết bị nghe nhìn cũng được xuất khẩu dưới cái tên National và chất lượng gần như không thay đổi so với Panasonic (Matsushita hơi tham vì cùng 1 chất lượng cho 1 sản phẩm, lấy 2 nhãn hiệu khác nhau để bán được nhiều hơn), nhưng do Panasonic đã là nhãn hiệu quá mạnh lúc bấy giờ, do đó những thiết bị mang tên National này chỉ tồn tại trong khoảng 20 năm thì không còn được sản xuất nữa. Đến năm 2008 thì cái tên National được xáp nhập chung với Panasonic và từ đây toàn bộ sản phẩm của Matsushita chỉ có 1 tên duy nhất là Panasonic.
Có thể nói Matsushita là công ty kinh doanh khuôn mẫu thành công nhất của Nhật Bản trong thế kỷ 20. Và đây cũng là công ty tham gia sản xuất hầu hết tất cả sản phẩm trong nền công nghiệp nhẹ (trừ việc sản xuất động cơ), năng lượng, viễn thông. Ở Nhật, Konosuke Matsushita là nhân vật nổi tiếng nhất trong giới điện tử và kinh doanh, và hầu như không người Nhật nào không biết đến ông bởi lẽ cách kinh doanh, lịch sử và sản phẩm của Matsushita luôn nằm trong sách giáo khoa được giảng dạy ở bậc phổ thông tại đây.
Sanyo (1947): chắc ít ai biết rằng người sáng lập ra Sanyo năm 1947 lại là em rể của Konosuke Matsushita. Trận động đất lớn Nīgata ken Chūetsu năm 2004 đã ảnh hưởng trầm trọng tới Sanyo, khiến hãng này thua lỗ liên tục và chính Panasonic đã đứng ra mua lại Sanyo năm 2008 nhưng vẫn để nguyên nhãn hiệu Sanyo cùng với mọi hoạt động của hãng này. Sanyo chính là hãng chế tạo chiếc radio cầm tay bằng plastic tên SS-52 đầu tiên của ngành công nghiệp radio năm 1952. 1 năm sau hãng này bán ra chiếc máy giặt SW-53 loại sàn rung phương thẳng đứng đầu tiên tại Nhật (hầu hết máy giặt hiện tại chỉ có 2 loại chính là phương ngang và phương thẳng như máy này). Máy điều hòa dạng 2 cục đã xuất hiện trước tại Mỹ và châu Âu vài năm, nhưng đến khi Sanyo sản xuất ra SAP-200E năm 1961 đầu tiên tại Nhật thì châu Á chúng ta mới được sử dụng rộng rãi như người Mỹ và châu Âu.
Có lẽ chúng ta phải rất cám ơn Sanyo, vì họ đã tạo ra 2 thế hệ battery dân dụng thương mại dùng cho các thiết bị điện tử là Ni-Cd (1963) và Lithium battery (1975) đầu tiên trên thế giới, mở ra kỷ nguyên các máy điện tử xách tay nhỏ gọn sử dụng không cần nguồn điện chính mà chỉ cần vài cục pin với thao tác đơn giản "tháo ra gắn vào" cũng có thể hoạt động. Cho dù trước đó các công nghệ của 2 loại battery này do Mỹ phát minh ra nhưng chỉ áp dụng vào quân sự và không gian, chưa hề được thương mại hóa. Sanyo vẫn được xem là đàn anh so với các hãng khác trong việc nghiên cứu và sản xuất các loại công nghệ battery dân dụng. Năm 1992, loại Ni-MH battery đầu tiên trên thế giới được Sanyo, Matsushita hợp tác với Toshiba cùng phát triển và bán ra năm 1996, đây là loại battery chủ yếu dùng trong mobile phone, laptop, video camera, digital camera. Năm 2005, Sanyo làm mới lại dòng Ni-MH đã gần 10 năm tuổi với cái tên "Eneloop", đem lại cho Sanyo rất nhiều giải thưởng từ Mỹ, châu Âu và Nhật.
Chiếc radio plastic đầu tiên
Máy giặt phương thẳng đầu tiên của Nhật
Máy điều hòa 2 cục đầu tiên của châu Á
Loại battery Ni-MH Eneloop mới nhất của Sanyo
NEC (1899): người khổng lồ của Nhật và của cả châu Á về mạng viễn thông gian đoạn đầu và giữa thế kỷ 20. Đến cuối thế kỷ 20 và hiện tại thì NEC là 1 trong những công ty hàng đầu thế giới về mạng IT, server dành cho các doanh nghiệp lớn nhỏ, chính phủ. Hầu hết mọi phát minh về viễn thông của Nhật đều xuất phát từ công ty này. Năm 1954, NEC lần đầu tiên tham gia vào lĩnh vực điện toán, đến năm 1985 họ đã tạo ra 1 supercomputer mạnh nhất thế giới do 1 hãng châu Á chế tạo ra. Vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Nhật do NEC chế tạo thành công năm 1970 (Mitsubishi là hãng đầu tiên của Nhật phát triển vệ tinh nhân tạo nhưng NEC lại chế tạo thành công trước). Chiếc laptop màn hình màu TFT LCD đầu tiên trên thế giới được NEC bán ra năm 1991. Năm 2002, một lần nữa NEC lại chế tạo ra supercomputer mạnh nhất thế giới dùng trong việc giải quyết các vấn đề khí hậu toàn cầu.
=> Nữa cuối thập niên 50, tivi trắng đen-tủ lạnh-máy giặt được người Nhật gọi là "Sanshu no Jingi" (tạm dịch là 3 loại thần khí). Giai đoạn kinh tế Nhật bắt đầu bùng nổ vào giữa thập niên 60 thì lại có 3 thứ khác được gọi là Shin-Sanshu no Jingi (3 loại thần khí mới), đó là tivi màu-máy lạnh-xe hơi. Sang đến thập niên cuối thế kỷ 20 là thời kỳ digital phát triển, năm 2003 người Nhật lại có 3 sản phẩm điện tử tiêu biểu khác là máy ảnh số-DVD recorder-Tivi màn hình phẳng, được gọi là Dejitaru Sanshu no Jingi (3 loại thần khí kỹ thuật số). Mỹ, Đức, Anh được xem là cái nôi của phát minh trong ngành công nghiệp hiện đại của nhân loại từ đầu thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, nhưng khi họ đem các phát minh đó đến tay người Nhật vào nữa cuối thế kỷ 19, gần 1 thế kỷ sau người Nhật đã dạy lại họ làm sao để phát triển, chế tạo và sản xuất rộng rãi trên toàn thế giới những sản phẩm dựa vào các phát minh này.
Hiện tại Nhật đứng thứ hai trên thế giới về số lượng sở hữu bằng sáng chế sau Mỹ. Họ vượt qua tất cả các nước châu Âu khác trong mọi sáng chế từ giữa cuối thế kỷ 20 đến nay. Điều này cùng song song với nền kinh tế hùng mạnh của Nhật đã giúp cho châu Á (các nước khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore...) từ sau thập niên 90 thế kỷ trước không còn tình trạng phải lẹt đẹt theo đuôi phương Tây về khoa học kỹ thuật. Hiện tại tuy bị sa sút về thị phần trong vài lĩnh vực điện tử, nhưng Nhật vẫn được xem là "cái nôi của các thiết bị điện tử tiêu dùng toàn cầu".
Phần 1 xin dừng tại đây, trong phần này tôi chưa đề cập tới Sony. Xin dành trọn phần 2 để nói về hãng này.
Phần 2 : Sony: một chú nhóc nghèo nàn không tên tuổi lại có thể làm cả thế giới công nghiệp điện tử chạy theo gót mình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
» Cảm ơn bạn đã ghé qua blog và đọc bài viết.
» Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn hãy để lại một nhận xét.
» Nếu thấy bài viết hay hãy chia sẻ với những người quanh bạn.
» Rất cảm ơn những comment thiện ý.