Tinhte-Kể từ lúc bắt đầu sử dụng ĐTDĐ, mình luôn quan tâm đến vấn đề bức xạ của nó có hại cho sức khỏe của mình hay không, nhất là ung thư não. Cho đến nay, đã có rất nhiều cuộc nghiên cứu nói về vấn đề trên, người thì nói có hại, người thì không, chẳng biết đường nào mà lần. Mặc dù vậy nhưng người ta vẫn phải tiếp tục nghiên cứu với hy vọng tìm ra những bằng chứng thuyết phục nhất. Nếu như lần trước, chúng ta cảm thấy lo lắng khi WHO cho rằng điện thoại có thể là thứ gây ra ung thư thì nghiên cứu mới đây nhất của châu Âu lại cho rằng không có mối liên kết nào giữa ĐTDĐ và ung thư não cả.
Cuộc nghiên cứu được thực hiện tại Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển và Thụy Sĩ với gần 1.000 người tham gia trong độ tuổi từ 7-19 tuổi, nhóm tuổi được cho là dễ bị ảnh hưởng bởi bức xạ của điện thoại nhất. Kết quả của cuộc nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Journal of the National Cancer Institute cho thấy không có mối liên hệ nào giữa việc sử dụng ĐTDĐ ở giới trẻ với việc gia tăng nguy cơ xuất hiện các khối u não cả.

Trong suốt 2 thập niên qua, tỷ lệ sử dụng ĐTDĐ trong giới trẻ đã tăng rất nhanh, nhất là ở các nước phát triển. Một cuộc thống kê cho thấy phần lớn trẻ em ở các nước này bắt đầu sử dụng ĐTDĐ từ khi mới 9, 10 tuổi. Trẻ ở độ tuổi này có hệ thần kinh đang phát triển và bức xạ điện thoại có thể đâm sâu vào não của chúng. Nhiều cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng những mô não ngoài của trẻ từ 5-8 tuổi có thể hấp thu một nguồn năng lượng từ điện thoại nhiều gấp đôi não của một người trưởng thành.

Tuy nhiên, những dữ liệu y tế công cộng lại không có sự khẳng định nào về việc sử dụng ĐTDĐ có làm tăng nguy cơ bị u não ở giới trẻ Mỹ và nhiều vùng của châu Âu hay không. Và nghiên cứu mới đây nhất từ châu Âu đã bác bỏ khả năng sử dụng ĐTDĐ có thể làm tăng nguy cơ bị u não ở trẻ, trích lời của ông Martin Roosli, một tiến sĩ dịch tễ học ở Thụy Sĩ và cũng là trưởng nhóm nghiên cứu. Ông cho biết, có rất ít bằng chứng nói lên mối liên hệ giữa ĐTDĐ và u não trong suốt 2 thập kỷ qua. Và trong năm ngoái, một cuộc nghiên cứu diễn ra ở 13 quốc gia trên người trưởng thành cho thấy dù cho họ có sử dụng ĐTDĐ hay không thì điều đó cũng không làm tăng nguy cơ bị ung thư não. Tuy nhiên, những người "nghiện" sử dụng ĐTDĐ ở mức độ nặng thì lại có dấu hiệu tăng nguy cơ bị mắc phải một chứng ung thư não nào đó, mặc dù mức độ tăng khá ít.

Hồi tháng 5 vừa rồi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo rằng ĐTDĐ có thể là một chất gây ung thư đối với con người. Mặc dù điều này không hàm ý nói việc sử dụng ĐTDĐ chắc chắn sẽ dẫn đến ung thư nhưng WHO nói mối liên kết này vẫn cần có sự theo dõi và chúng ta không nên bỏ qua. Còn nghiên cứu của châu Âu tuy có kết quả trái ngược nhưng người ta cũng thấy rõ có nhiều mặt hạn chế trong báo cáo đó. Cụ thể là các đối tượng tham gia nghiên cứu, ở đây là trẻ em và người đang ở độ tuổi trưởng thành, chỉ mới sử dụng ĐTDĐ trong khoảng 4 năm trở lại đây. Khoảng thời gian này không dủ dài để làm tăng nguy cơ bị ung thư. Thêm vào đó, giới trẻ lại thích nhắn tin hơn là gọi điện, thời gian chúng đặt máy lên tai để đàm thoại do đó cũng rất ít. Tuy có nhiều hạn chế nhưng do tốc độ phát triển của việc dùng ĐTDĐ không ngừng gia tăng nên chúng ta vẫn luôn phải để mắt tới những ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe của trẻ em, ông Roosli nói.


Loại bức xạ mà ĐTDĐ phát ra là loại bức xạ không ion hóa, tức là chúng không có khả năng làm biến đổi được các phân tử mà nó chạm vào. Chúng có đủ năng lượng để làm rung động các hạt nguyên tử trong một phân tử nhưng may mắn là chúng chưa đủ mạnh để làm cho các hạt electron bị dịch chuyển, khiến cho phân tử phải bị "biến dạng". Sóng âm thanh và các sóng ánh sáng nhìn thấy được chính là những ví dụ về bức xạ không ion hóa, những thứ gần như vô hại với con người chúng ta. Nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy bức xạ của điện thoại không đủ sức mạnh để làm xáo trộn chuỗi ADN. Nhưng không vì thế mà các nhà khoa học từ bỏ mối nguy hiểm này.

Tiến sĩ Roosli và các đồng sự của mình đã tiến hành nghiên cứu trên 998 người, được chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất có 352 người, tuổi từ 7-19, được chẩn đoán từ năm 2004 đến 2008 là đã có khối u trong não. Nhóm thứ hai gồm 646 người không có khối u não, được chọn ngẫu nhiên trong dân chúng nhưng cũng có cùng độ tuổi, giới tính và nơi sinh sống với nhóm thứ nhất. 2 nhóm này được hỏi về mức độ thường xuyên sử dụng ĐTDĐ của mình, bên cạnh đó nhóm nghiên cứu còn thu thập cả các bản báo cáo sử dụng mạng không dây từ các nhà mạng để phục vụ quá trình kiểm tra. Sau khi kiểm tra, nhóm nghiên cứu đi đến kết luận rằng những người sử dụng ĐTDĐ thường xuyên không có nhiều khả năng bị u não hơn là người không sử dụng ĐTDĐ. Các cuộc quan sát cũng cho thấy không có dấu hiệu gia tăng nguy cơ bị u não trên các vùng não thường xuyên tiếp xúc vơi bức xạ điện thoại.

Theo ông Kurt Straif, tiến sĩ ung thư dịch tễ học của WHO nói thì cuộc nghiên cứu của châu Âu là "quan trọng" bởi vì đây là cuộc nghiên cứu đầu tiên đặt vấn đề nói lên mối liên hệ giữa ĐTDĐ và ung thư não ở trẻ em. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nghiên cứu này còn hơi khập khiễng vì "Những đối tượng tham gia nghiên cứu bị mắc chứng ung thư não có thể không nhớ rõ tần suất sử dụng ĐTDĐ của mình" và nhóm nghiên cứu cũng không tìm được cách sử dụng các hóa đơn điện thoại để xác định chính xác thời lượng sử dụng điện thoại của các đối tượng tham gia nghiên cứu.