++ "THÀNH CÔNG CỦA BẠN SẼ CHẲNG CÓ NGHĨA LÝ GÌ KHI BẠN CHẲNG CÓ AI YÊU THƯƠNG ĐỂ CHIA SẺ! " ++

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

Ti vi thông minh liệu có cần thiết?

0 nhận xét

Smart-TV.jpg

ICTnews - Hàng loạt sản phẩm ti vi thông minh (có kết nối Internet) đã được giới thiệu tại Việt Nam trong năm 2011. Liệu nó có thực sự cần thiết và đáng để người dùng bỏ ra một số tiền lớn?
Xu hướng mới trong năm 2011
Thực tế những chiếc ti vi có khả năng kết nối Internet (như các hãng gọi là ti vi thông minh) đã xuất hiện rải rác vào khoảng thời gian cuối năm 2010, nhưng lúc đó nó vẫn chưa được người Việt Nam biết đến nhiều vì chưa được giới thiệu tại thị trường trong nước.
Đến đầu năm 2011, ti vi thông minh bắt đầu trở thành một xu hướng mới và được các hãng đồng loạt giới thiệu tại Việt Nam. Khởi đầu là Sony với các sản phẩm Bravia như CX520, EX420, EX520 và EX720 - đây là những chiếc ti vi có khả năng lướt web, gọi điện Skype, vào mạng xã hội như Facebook, Twitter, xem video trên Youtube... Trong buổi ra mắt các sản phẩm này tại Việt Nam vào ngày 29/3 vừa qua, đại diện Sony tuyên bố, những chiếc ti vi Internet sẽ là xu hướng chủ đạo của Sony trong năm 2011.
Ngay sau khi Sony vừa giới thiệu những chiếc ti vi thông minh tại Việt Nam, Samsung và LG, hai hãng điện tử lớn đến từ Hàn Quốc cũng nhanh chóng nắm bắt thị trường bằng cách tung ra loạt sản phẩm Smart TV với tính năng kết nối Internet.
Khác với Sony, cả Samsung và LG tỏ ra chuyên nghiệp hơn khi thay vì tích hợp nhiều ứng dụng giải trí vào ti vi, họ sử dụng một hệ thống chung có tên gọi Smart Hub (Samsung) và Smart TV (LG) để kết hợp các tính năng vào trong đó, giúp người dùng dễ dàng hơn khi sử dụng.  Cụ thể, người dùng chỉ cần vào Smart Hub hay Smart TV là có thể duyệt web, tìm kiếm thông tin giải trí, xem video cá nhân, truy cập kho ứng dụng và chat, cập nhật mạng xã hội... thay vì phải hiệu chỉnh nhiều như các sản phẩm khác.
Liệu có cần thiết?
Được xem như là một xu hướng mới về ti vi trong năm 2011, nhưng liệu những chiếc ti vi thông minh trên có thật sự cần thiết cho người dùng.
Thực tế, những chiếc ti vi Internet vẫn còn rất nhiều hạn chế với người dùng, trong đó điều đầu tiên có thể nhận thấy là tất cả thao tác điều khiển, cũng như đưa dữ liệu vào ti vi đều phải thông qua chiếc điều khiển từ xa. Người dùng sẽ phải sử dụng rất nhiều thao tác để sử dụng một ứng dụng hay nhập tên miền trang web qua bàn phím trên thiết bị điều khiển và nếu chưa quen sẽ rất vất vả. Chưa kể khi xem một bài báo trên web còn phải liên tục bấm mũi tên điều khiển qua các hướng trên màn hình đến khi đúng vị trí và bấm phím “OK” mới xem được.
Bên cạnh đó, muốn xem một trang web mới, người dùng lại phải tiến hành nhập lại từ đầu và tiếp tục làm lại một loạt các thao tác giống như cũ. Hai tính năng được xem dễ thực hiện nhất là xem video trên Youtube và gọi điện thoại Skype, tuy nhiên để gọi Skype người dùng cũng phải tốn thêm vài triệu đồng để mua các phụ kiện đi kèm như camera, microphone...
Để khắc phục khó khăn khi nhập liệu, một số hãng đã cho tính năng đồng bộ với các thiết bị ngoại vi như smartphone, máy tính xách tay, máy tính bảng... nhưng nếu dùng thêm các thiết bị này người dùng sẽ tiêu tốn thêm một khoản tiền không nhỏ.
Một trở ngại đến với người dùng từ những chiếc ti vi này nữa đó là về giá bán. Ti vi thông minh của Sony được xem rẻ nhất, người dùng cũng phải tiêu tốn khoảng 12 triệu đồng mới sở hữu được một chiếc ti vi có màn hình 32 inch (giá gần gấp đôi so với ti vi LCD thường cùng kích thước), trong khi đó cả Samsung và LG mức giá đưa ra đều từ 16 triệu đồng trở lên.
Chính vì thế, lựa chọn ti vi thông minh hay không, người dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu là người đam mê công nghệ, thích khám phá cái mới thì việc mua một chiếc cho mình là cần thiết. Đối với những người chỉ muốn xem ti vi đơn thuần để giải trí, có lẽ một chiếc LCD bình thường đã hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu.
Lê Mỹ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

» Cảm ơn bạn đã ghé qua blog và đọc bài viết.
» Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn hãy để lại một nhận xét.
» Nếu thấy bài viết hay hãy chia sẻ với những người quanh bạn.
» Rất cảm ơn những comment thiện ý.