++ "THÀNH CÔNG CỦA BẠN SẼ CHẲNG CÓ NGHĨA LÝ GÌ KHI BẠN CHẲNG CÓ AI YÊU THƯƠNG ĐỂ CHIA SẺ! " ++

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

“Huynh đệ tương tàn” ở Google?

2 nhận xét

1.jpg.jpg
Nếu Chrome OS thành công, Android sẽ đi về đâu?


ICTnews - Android, hệ điều hành cho di động; Chrome OS, hệ điều hành cho máy tính, là hai phần mềm nổi bật của Google. Song theo nhiều chuyên gia, Google sẽ phải từ bỏ 1 trong 2 đứa con này.
Hai số phận
Dù cũng là con đẻ của Google và cùng được phát triển bằng hệ thống mã nguồn mở nhưng Android và Chrome OS lại đang có 2 số phận gần như hoàn toàn trái ngược nhau. Android là hệ điều hành di động hiện có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và đang được ứng dụng hoặc thử nghiệm trên đủ loại thiết bị, từ điện thoại thông minh cho đến máy tính bảng và sắp tới có thể còn hiện diện trên cả những chiếc tủ lạnh hay Google TV… Nhưng Chrome OS, sản phẩm được Google dự tính cho ra đời nhằm trở thành hệ điều hành cho dòng máy tính xách tay giá rẻ, cấu hình thấp (netbook) vẫn chưa được ra đời dù rằng netbook đã qua thời kỳ hoàng kim của mình.
Tuy nhiên, tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu Web 2.0 vừa khai mạc hồi đầu tuần, ông Eric Schmidt – Tổng giám đốc Google vẫn lên tiếng khẳng định hãng này vẫn đang tiếp tục phát triển Chrome OS và dự định dùng nó như một “giải pháp hoàn toàn khác với Android”. Theo tiết lộ của ông Schmidt, Chrome OS sẽ là một hệ điều hành web được ưu tiên sử dụng cho những thiết bị có bàn phím thực còn Android sẽ chỉ để dành cho những thiết bị sử dụng màn hình cảm ứng.
Ngay lập tức, đã có rất nhiều chuyên gia tỏ ý nghi ngờ về triển vọng này. Họ cho rằng, năm 2005, khi Google cho ra mắt Android, smartphone vẫn là của hiếm còn màn hình cảm ứng gần như chưa tồn tại trong khi Chrome OS được thông báo ra đời từ giữa năm 2009 – trong thời kỳ đỉnh cao của netbook, trước khi người ta biết đến máy tính bảng là cái gì.
Nhưng netbook đang thoái trào rất nhanh. Người dùng giờ đây thường phân vân và chuyển qua lại giữa laptop và iPad (máy tính bảng) tùy thuộc vào việc họ ưu tiên tiêu chí sức mạnh xử lý, tính di động, thiết kế hay sự tiện dụng… những tiêu chí mà netbook đều không thể thỏa mãn. Về phương diện giá cả, một chiếc máy tính bảng hiện nay cũng không đắt hơn netbook quá nhiều. Theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường Gartner, đến năm 2014, tổng doanh số bán ra của netbook chỉ chiếm khoảng 10% thị trường máy tính xách tay nói chung, tức chỉ bằng một nửa so với mức 20% của hồi cuối năm 2009. Xét trên tất cả các yếu tố, “cái chết” của netbook là gần như không thể tránh khỏi và đi kèm theo đó là một “dấu hỏi to đùng” về tương lai của Chrome OS. “Trong ngắn hạn, Chrome OS vẫn có “chỗ” nhưng trong tương lai xa hơn có lẽ Google phải tính đến phương án Android biến Chrome OS thành kẻ vô dụng”, Ray Valdes, một chuyên gia phân tích của Gartner nói.
Google không phải “tay mơ”
Chrome OS không phải là không có lợi thế. Đó là một hệ điều hành khá độc đáo, hoạt động dựa trên nền tảng của trình duyệt web nên người ta có thể dễ dàng sử dụng mà không cần phải tải về hay cài đặt. Trên thực tế, Chrome OS sẽ được trình duyệt Chrome hỗ trợ mà Chrome lại là một trong những “ngôi sao đang lên” của thế giới trình duyệt. Trong khi đó, Android lại đi theo một hướng khác. Hiện Android đã có hơn 100.000 ứng dụng hỗ trợ nhưng chúng lại yêu cầu người dùng phải tải về và lưu trữ trên thiết bị.
Một vấn đề khác mà Google chắc chắn đã tính đến khi quyết định tiếp tục dự án phát triển Chrome OS đó là sự nổi lên một cách vô cùng ấn tượng của HTML 5, một chuẩn lập trình web mới cho phép các nhà phát triển có thể tích hợp thẳng những tính năng phức tạp của nhiều loại ứng dụng khác vào trong trình duyệt. Khi HTML 5 hoàn thiện, trình duyệt sẽ trở thành một nền tảng “tất cả trong một” và người dùng sẽ có đủ mọi thứ họ cần mà không phải nghĩ đến việc tải về như hiện nay. Và đó chính là cơ hội vàng của Chrome OS.
Có điều, nếu Chrome OS thành công, Android sẽ đi về đâu? Lại là một câu hỏi rất khó dành cho Google bởi dù khả năng nào xảy ra họ cũng phải tính đến việc phát triển và hỗ trợ cho một nền tảng duy nhất có khả năng đáp ứng được yêu cầu của nhiều loại thiết bị. Nếu không, sự phân tán cũng có thể khiến Google lâm vào cảnh “xôi hỏng, bỏng không”.
Lương Hương

2 nhận xét:

Khoa Luu nói...
lúc 00:41 21 tháng 11, 2010

Khi thiết bị công nghệ như Smartphone,laptop, tablet tiến gần với nhau chắc chỉ cần 1 ???

Pig nói...
lúc 00:36 23 tháng 11, 2010

tham quá đây mà

Đăng nhận xét

» Cảm ơn bạn đã ghé qua blog và đọc bài viết.
» Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn hãy để lại một nhận xét.
» Nếu thấy bài viết hay hãy chia sẻ với những người quanh bạn.
» Rất cảm ơn những comment thiện ý.