++ "THÀNH CÔNG CỦA BẠN SẼ CHẲNG CÓ NGHĨA LÝ GÌ KHI BẠN CHẲNG CÓ AI YÊU THƯƠNG ĐỂ CHIA SẺ! " ++

Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2010

Steve Jobs

0 nhận xét
Image
Tài sản: 5,5 tỷ USD (đầu năm 2010)
Sinh ra là trẻ mồ côi năm 1955, Steve Jobs được một cặp vợ chồng không mấy khá giả tại California nhận về làm con nuôi. Đến tuổi đi học đại học, ông vào trường Reed College nhưng sau đó đành bỏ ngang vì không đủ tiền đóng học phí. Mặc dù vậy, ông vẫn quyết tâm theo đuổi học hành bằng cách tham gia các lớp dự thính. Đến năm 1976, thương hiệu Apple đã ra đời trong garage xe của gia đình Steve Jobs. 
Trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí có lần bị sa thải khỏi công ty do chính mình thành lập. Cuối cùng Steve Jobs cũng được cả thế giới thừa nhận khi ông biến Apple thành người tiên phong với những sản phẩm công nghệ đột phá như iPod, iPhone, iPad.
Sáu bí quyết thành công của Steve Jobs:
1.  Làm điều bạn yêu thích
Theo Steve: “Hãy tìm kiếm nỗi đam mê đích thực của bạn. Hãy làm điều bạn yêu thích và tạo sự khác biệt! Cách duy nhất để đạt đến thành công tột bậc là yêu thích những gì bạn làm”
Hoàn toàn đúng! Làm một công việc bạn không thích thì cũng giống như nồi tròn mà úp vung méo. Mỗi ngày bạn đều cố gắng hết sức mình để làm việc, nhưng không bao giờ thật sự đạt được thành công mà bạn cảm thấy mình đáng được nhận. Mỗi ngày làm việc là một trận chiến – hoặc ít nhất cũng là một chướng ngại cần vượt qua – bởi vì bạn chỉ cố gắng làm việc cho hết ngày để tối được về nhà, chứ không vui thú gì với công việc.
Khi bạn chỉ chú tâm làm việc cho hết ngày, hoặc tốn thời gian vào những dự án hoặc tác vụ không thú vị, bạn làm công việc khó khăn hơn cho chính mình. Khi bạn có sự đam mê, và bạn yêu thích những gì bạn làm, bạn sẽ làm việc với hiệu suất cao hơn, năng nổ và vui vẻ hơn với mọi người. Bối cảnh nào bạn nghĩ sẽ mang đến thành công một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất? Câu trả lời thật quá rõ ràng!
Vì thế, nếu bạn muốn thật sự thành công trong cuộc sống, đầu tiên, bạn phải dành thời gian và công sức để nhận ra bạn yêu thích việc gì, và sau đó tìm một chiến lược để đạt được nó. Việc này nghe có vẻ đơn giản, nhưng không phải lúc nào cũng dễ làm. Bạn cần chuẩn bị sẵn sàng để tự tiến hành tìm kiếm và khám phá đam mê thật sự của mình là gì (không phải cái bạn nghĩ đồng nghiệp, gia đình, bạn bè và xã hội trông đợi ở bạn). Việc ba mẹ của bạn muốn bạn trở thành một luật sư hay kế toán viên hàng đầu không đồng nghĩa với việc bạn sẽ tìm thấy thành công và niềm đam mê trong công việc đó.
2. Tầm nhìn xa
Theo Steve, “Bạn không nên lo lắng về quá nhiều việc cùng một lúc. Hãy bắt đầu từ một vài việc đơn giản, sau đó mới chuyển qua những việc phức tạp hơn. Hãy suy tính không chỉ cho ngày mai, mà còn cho tương lai.”
Sự quá tải vì công việc có thể cản bước tiến của bạn trên con đường công danh sự nghiệp. Đây là một bệnh dịch ác hiểm, có thể “đè bẹp” nhiều người trên hành trình đến thành công. Vì thế, bạn phải luôn giữ được sự tập trung. Sự quá tải vì công việc “lẳng lặng” đến khi chúng ta quên mất mục tiêu chính của mình và để nhiều việc khác tràn ngập trí não của chúng ta. Một khoảnh khắc bạn tập trung vào một việc tối quan trọng, có thể giúp bạn nhanh chóng đạt đến thành công. Tuy nhiên, ở phút kế tiếp, bạn lại mãi nghỉ về cả trăm việc khác bạn cần làm, và thế là sự quá tải đến !
3.  Hãy nêu cao tinh thần doanh nhân
Steve nói “Hãy tìm kiếm ý tưởng lớn kế tiếp. Tìm ra những ý tưởng cần được hiện thực hóa một cách nhanh chóng và quyết đoán rồi “nhảy” vào thực hiện nó. Đôi khi bước đầu tiên chính là bước khó khăn nhất. Hãy đi bước đầu tiên này! Hãy mạnh dạn theo đuổi tình cảm và trực giác của bạn.”
Không ít lần tôi tình cờ gặp những người thông minh và khôn ngoan đến tuyệt vời. Họ có những ý tưởng rất hay hoặc khả năng kinh doanh, nhưng họ không sẵn sàng để thực hiện “cú nhảy” mà Steve đề cập. Vấn đề ở đây là họ biết họ muốn cái gì, nhưng lại chưa tìm ra cách để có được chúng. Vì thế, họ dừng lại và không tiến thêm nữa.
Mặc dù có một kế hoạch hay chiến lược để hiện thực hóa ý tưởng là rất quan trọng, không nên để việc quá chú trọng vào “LÀM CÁCH NÀO đạt những mục tiêu” khiến công việc của bạn bị đình trệ. Đôi lúc bạn không thể nào biết được tất cả các câu trả lời. Không sao cả, cứ tiếp tục công việc, từng bước một. Cuối cùng, tất cả những chi tiết bạn cần biết sẽ lộ ra. Còn nếu không làm gì cả, bạn sẽ chẳng tiến được đến đâu.
Ca sĩ/tay guitar nổi tiếng Jim Rowland đã từng nói “Sự kỷ luật chỉ nặng một ounce còn sự hối tiếc nặng đến một tấn” (1 tấn = 32 000 ounce). Hãy duy  trì tính kỷ luật và lòng dũng cảm để tiến về phía trước theo từng bước nhỏ, và bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc về những tiến bộ bạn đã đạt được.
4. Hãy tạo sự khác biệt
Theo Steve “Hãy tạo sự khác biệt. Hãy suy nghĩ khác mọi người. Chẳng thà làm một tên cướp biển còn hơn là gia nhập đội ngũ hải quân”
Tôi thích câu này của Steve vì cả từ “hải quân” và “cướp biển” đều gợi nhớ cho tôi nhiều điều! Tôi đã làm việc 14 năm trong môi trường công ty (chưa kể một khoảng thời gian ở trong quân dự bị) nhưng tôi đã vứt bỏ những điều đó để thành lập công ty Outshine Consulting and The Success Rules. Hiện tại không có sự lựa chọn nào tốt hơn cái nào, nhưng tôi nghĩ điểm mấu chốt cần suy nghĩ ở đây là bạn muốn nắm giữ vị trí gì trong cuộc sống.
Nếu chúng ta sống trong một thế giới liên tục thay đổi, chúng ta sẽ cảm thấy mọi thứ đều hỗn loạn. 
Tuy nhiên, để trở thành một doanh nhân thành công như Steve Jobs, điều tối quan trọng là bạn phải liên tục tìm cách thay đổi hiện trạng (status quo), tìm kiếm những ý tưởng mới, có đầu óc cách tân và sáng tạo. Việc làm theo những gì có sẵn nhiều khả năng sẽ tạo ra những kết quả cũ hơn là những cái hiện đại và mới mẻ.
Bạn muốn có sự thách thức và thay đổi, hay bạn thích sự ổn định? Hãy thành thật với chính bản thân bởi vì không phải ai cũng có thể làm lính hải quân, và không phải ai cũng có thể làm hải tặc giỏi!
5. Nỗ lực hết mình
Theo Steve  “ Hãy nỗ lực hết mình khi làm bất cứ việc gì. Thành công sẽ tạo ra thành công. Vì thế hãy khát khao thành công”
Nếu bạn “mắc kẹt” trong việc suy nghĩ xem làm cách nào để thành công, hoặc chờ đợi thành công đến với mình, bạn sẽ dậm chân tại chỗ. Thành thật mà nói, đứng yên tại chỗ cho thấy bạn không thật sự khát khao thành công.
Bạn cần tiếp tục công việc, và phải năng động vì mỗi một thành công bạn có – dù nhỏ đến đâu - sẽ giúp tạo ra nhiều và nhiều thành công về sau. Khi động lượng tăng lên thì mức độ thành công của bạn cũng tăng theo. Đến lượt mình, nó lại tạo ra thêm nhiều động lượng và động lực làm việc. Trong điều kiện lý tưởng nhất, đó chính là hiệu ứng quả cầu tuyết (Khi một quả cầu tuyết lăn xuống dốc, nó tích lũy thêm nhiều tuyết bám trên bề mặt nên ngày một lớn hơn) Tuy nhiên, bạn vẫn cần có lòng khao khát để đạt được mục tiêu và sẵn lòng hành động để trải nghiệm nó.
6. Không ngừng học hỏi
Theo Steve “Lúc nào cũng có một cái gì đó mới mẻ để bạn học! Trao đổi ý kiến, học hỏi từ khách hàng, đối thủ cạnh tranh và đối tác. Nếu bạn làm việc với một người bạn không thích, hãy học cách thích họ. Hãy khen ngợi họ và thu được lợi ích gì đó từ họ.”
Nếu năng lực của bạn không gia tăng, bạn sẽ chết dần. Đây có thể là một câu khó nuốt, nhưng đó là sự thật. Nếu không phát triển, học hỏi và trưởng thành, bạn sẽ trở nên ốm yếu và chết dần. Bạn muốn mình rơi vào trường hợp nào?
Steve Jobs rõ ràng có được sự cân bằng. Ông không đạt được thành công như ngày hôm nay bằng cách nghỉ ngơi và tận dụng những tri thức sẵn có. Ông liên tục sáng tạo và đổi mới. Điều này chỉ có thể đạt được từ việc không ngừng học hỏi.
Thông qua việc xây dựng một mạng lưới quan hệ xã hội hữu hiệu, bạn có thể học được nhiều điều từ những người thông thái. Họ có thể thách đố tư duy của bạn và giúp bạn phát triển ý tưởng và chiến lược mới để đạt được thành công. Học tập cũng giống như tiêu tiền. Bạn có thể mở mang kiến thức mỗi ngày bằng cách nhận thức ưu điểm của những người xung quanh bạn, hoặc đọc sách thay vì ngồi trước màn hình. Sự lựa chọn là của bạn.
Còn đây là 3 câu chuyên cuộc đời của ông
Image
Bài phát biểu của Steve Jobs – CEO của Apple Computers tại lễ trao bằng tốt nghiệp của trường đại học Stanford:
Tôi rất vinh dự được có mặt tại lễ phát bằng tốt nghiệp của các bạn ngày hôm nay tại một trường đại học danh giá bậc nhất thế giới. Tôi chưa bao giờ có bằng tốt nghiệp đại học.
 
Nói một cách trung thực nhất thì thực ra, tôi chưa bao giờ học đại học. Ngày hôm nay, tôi muốn kể cho các bạn nghe ba câu truyện đã từng xẩy ra trong cuộc đời tôi. Chỉ như vậy thôi, không có gì to lớn, chỉ đơn giản là ba câu truyện.
Câu chuyện thứ nhất là về việc kết nối những dấu chấm
(Connecting the dots – nối những dấu chấm từ hàng vạn cái chấm hỗn độn – để thấy con đường mình sẽ phải đi)
Tôi đã bỏ học chỉ sau sáu tháng theo học trường cao đẳng Reed, tôi lưu lại đó tạm thời trong vòng 18 tháng nữa trước khi tôi chính thức rời trường Reed.
Tại sao tôi lại bỏ học?
Tôi đã bắt đầu điều đó khi tôi mới được sinh ra. Mẹ ruột của tôi là một nữ sinh viên trẻ, độc thân và bà đã quyết định cho tôi đi làm con nuôi. Bà thực sự muốn tôi được làm con nuôi của những người đã tốt nghiệp đại học. Vì thế, tất cả mọi chuyện đã được sắp đặt để tôi trở thành con nuôi của một cặp vợ chồng luật sư. Tuy nhiên, tất cả chuyện đó đã bị thay đổi ở phút cuối cùng khi tôi vừa cất tiếng khóc chào đời, họ đã đổi ý và muốn nhận một đứa bé gái làm con nuôi chứ không phải tôi.
Chính vì thế, bố mẹ nuôi của tôi hiện giờ đã nhận được một cú điện thoại vào lúc nửa đêm hỏi có muốn nhận tôi, một đứa bé trai được sinh ra không mong đợi, làm con nuôi hay không. Bố mẹ tôi đã trả lời rằng tất nhiên rồi. Tuy nhiên, sau đó, mẹ ruột của tôi biết được mẹ nuôi tương lai của tôi chưa tốt nghiệp đại học và bố nuôi của tôi chưa tốt nghiệp trung học, bà đã từ chối ký vào giấy tờ giao nhận con nuôi. Một vài tháng sau bà mới đồng ý khi bố mẹ nuôi của tôi hứa sẽ cho tôi đi học đại học.
17 năm sau, tôi cũng vào đại học, nhưng tôi đã rất ngây thơ khi chọn một trường đại học danh giá ngang hàng với Stanford. Tất cả tiền tiết kiệm của bố mẹ tôi đã phải dành để đóng học phí cho tôi. Sau sáu tháng, tôi chẳng thấy được ích lợi gì của việc học đại học. Tôi chẳng có một câu trả lời nào về việc tôi sẽ làm gì với cuộc đời của mình và cũng chẳng tin rằng trường đại học có thể giúp tôi trả lời câu hỏi đó. Tôi đã tiêu tất cả tiền tiết kiệm của bố mẹ tôi dành dụm phòng khi về hưu vào trường đại học. Vì vậy tôi đã quyết định bỏ học và tin tưởng rằng rồi mọi chuyện cũng sẽ tốt đẹp thôi. Tại thời điểm đó, mọi việc dường như có vẻ rất khó khăn nhưng khi nhìn lại, tôi lại thấy rằng đó là một quyết định đúng đắn nhất của tôi. Giây phút mà tôi bỏ học, tôi đã từ bỏ những môn học mà tôi không hề thích, thay vào đó, tôi bắt đầu tìm hiểu những môn học khác có vẻ như thú vị hơn rất nhiều.
Mọi chuyện không diễn ra nhẹ nhàng một chút nào. Tôi không có phòng trọ vì thế, tôi phải ngủ nhờ dưới sàn nhà trong phòng trọ của các bạn tôi. Tôi kiếm tiền mua đồ ăn bằng 5$, tiền công trả lại các chai Coca-cola và mối tuần tôi đi bộ 7 dặm qua phía bên kia thành phố để có được một bữa ăn ngon ở trại Hare Krishna. Tôi rất thích những món ăn ở đó. Sau này, tôi mới biết được rằng những gì mà tôi đã phải trải qua khi cố gắng theo đuổi niềm đam mê của mình là vô giá. Tôi sẽ lấy một ví dụ cho các bạn:
Có lẽ ở thời điểm đó, trường Reed là trường duy nhất của cả nước giới thiệu nghệ thuật viết chữ đẹp. Ở tất các các khu học xá, tất cả các poster, tiêu đề của tất cả các tranh vẽ đều được viết tay rất đẹp. Vì tôi đã thôi học và không phải tham gia vào những khóa học bắt buộc thông thường nên tôi đã quyết định tham gia khóa học nghệ thuật viết chữ đẹp. Tôi học cách viết các chữ có nét ở chân, những biến đổi về khoảng cách giữa các nét chữ, học cách trình bầy một bản in lớn sao cho đẹp. Tôi nhận thấy rằng đây là một môn học mang tính nghệ thuật, lịch sử và đẹp một cách tinh vi mà khoa học không thể làm được.
Những thứ đó dường như chẳng có ý nghĩa thực tế gì cho cuộc sống của tôi. Tuy nhiên, 10 năm sau này, khi chúng tôi đang thiết kế thế hệ đầu tiền của máy tính Machintosh, tất cả những điều đó dường như lại trở lại với tôi và chúng tôi đã thiết kế để cài đặt tất cả những mẫu chữ đó vào máy tính, Machintosh là máy tính đầu tiên có những mẫu chữ nghệ thuật rất đẹp. Nếu như tôi không tham gia vào khóa học đó ở trường thì Mac sẽ chẳng bao giờ có nhiều phông chữ như vậy. Kể từ khi Windows copy những mẫu chữ đó của Mac thì không có một máy tính cá nhân nào không có những phông chữ đó. Nếu tôi không bỏ học và không tham gia vào khóa học viết chữ đẹp thì tất cả các máy tính cá nhân bây giờ có thể chẳng có được chúng. Tất nhiên là khi tôi đang ở trường đại học thì tôi không thể kết nối những điểm mốc đó khi nó còn đang ở tương lai phía trước. Nhưng 10 năm sau thì những điều đó rất, rất rõ ràng.
Một lần nữa tôi muốn nói với các bạn rằng, chúng ta không thể biết những điểm mốc có nối kết với nhau trong tương lai không, các bạn chỉ có thể biết những điều đó khi nhìn lại mà thôi. Vì thế, các bạn hãy tin tưởng rằng, theo một cách nào nó, những điểm mốc sẽ nối kết với nhau trong tương lai của bạn. Các bạn cũng cần phải tin vào một số thứ khác như: sự quyết tâm, vận mệnh, cuộc sống, nhân quả hoặc bất cứ cái gì. Phương pháp đó chưa bao giờ làm tôi thất vọng và nó đã tạo ra những thay đổi trong cuộc sống của tôi.

Image 


Ở tuổi 21, năm 1971, Steve Jobs đồng sáng lập ra Apple với Steve Wozniak tại gara ô tô của gia đình ở Los Altos, California. Cha Jobs đã di rời thiết bị trùng tu xe hơi của ông và mua về nhà một chiếc bàn làm việc bằng gỗ của thợ mộc để làm cơ sở sản xuất đầu tiên cho Apple. Jobs quay trở lại chiếc gara trống năm 1996 để chụp ảnh cho Fortune.

Câu chuyện thứ hai của tôi là về tình yêu và sự mất mát.
Tôi đã rất may mắn khi tôi đã muốn bắt đầu làm việc từ rất sớm. Woz và tôi đã bắt đầu những trang đầu tiên cho lịch sử của Apple trong gara của bố mẹ tôi khi tôi mới 20 tuổi. Chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ để sau 10 năm, từ chỗ chỉ có 2 người, trong cái gara bé nhỏ, Apple đã phát triển thành một công ty trị giá 2 tỷ đô la Mỹ với hơn 4000 nhân viên. Một năm trước đây, chúng tôi vừa mới bỏ đi sáng tạo đầu tiên của mình, máy tính Macintosh và tôi vừa mới bước sang tuổi 30. Sau đó, tôi bị sa thải. Làm sao mà bạn lại có thể bị sa thải bởi một công ty mà bạn đã sáng lập ra nó ? Oh, khi mà Apple đã phát triển lớn hơn, tôi đã thuê một người mà tôi đánh giá là có khả năng cùng tôi lãnh đạo công ty.
Khoảng một năm gì đó, tình hình có vẻ rất khả quan. Nhưng sau đó, quan điểm của chúng tôi về tương lai bắt đầu khác nhau, thậm chí chúng tôi còn trở nên bất hòa. Khi có mối bất hòa đó xẩy ra giữa chúng tôi, hội đồng quản trị đã đứng về phía anh ta, và tôi, ở tuổi 30, đã bị sa thải một cách rất rõ ràng. Những điều mà tôi theo đuổi trong suốt cuộc đời đã biến mất, chúng đã bị phá hủy.
Trong một vài tháng, tôi đã thực sự chẳng biết phải làm cái gì. Tôi cảm giác rằng mình đã làm cho những thế hệ đi trước tôi thất vọng và rằng tôi đã đánh rơi lá cờ khi nó đã được chuyền đến tay tôi. Tôi đã gặp David Packard và Bob Noyce, cố gắng xin lỗi cho việc cư xử không hay của mình. Tôi đã thua một cách rõ ràng và thậm chí, tôi đã có ý định bỏ cuộc. Nhưng có một cái gì đó bắt đầu chậm chậm sáng lên trong tôi. Tôi vẫn rất yêu quý những gì tôi đã tạo ra. Sự việc xẩy ra ở Apple có thay đổi tình yêu đó một chút nhưng trong tôi, tình yêu ấy vẫn còn. Chính vì thế, tôi đã quyết định bắt đầu lại.
Ngay lúc đó tôi không nhận thấy, nhưng sau này, tôi mới biết rằng việc tôi bị Apple sa thải hóa ra lại là một việc tốt đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Gánh nặng của sự thành công đã được thay thế bằng ánh sáng của sự bắt đầu mới tuy không có điều gì chắc chắn. Tôi đã để cho mình tự do bước vào một quãng đời đầy những sáng tạo của cuộc đời mình.
Trong khoảng 5 năm sau đó, tôi đã bắt đầu xây dựng công ty NeXT và một công ty khác tên là Pixar. Tôi gặp và đã yêu một người phụ nữ tuyệt vời, chính là vợ tôi sau này. Pixar đã sáng tạo ra phim truyện hoạt hình máy tính đầu tiên trên thế giới, câu chuyện đồ chơi. Hiện tại, nó đã trở thành xưởng phim hoạt hình thành công nhất trên thế giới. Một sự kiện thay đổi đáng ghi nhớ đã xẩy ra khi Apple mua NeXT, tôi trở lại Apple, những kỹ thuật mà NeXT đã phát triển trở thành nguồn sinh khí cho thời kỳ phục hồi của Apple.
Tôi và Laurene cũng có một gia đình hạnh phúc.
Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng tất cả những điều đó sẽ chẳng bao giờ xẩy ra nếu tôi không bị Apple sa thải. Đó là một viên thuốc đắng nhưng tôi chắc bệnh nhân sẽ rất cần đến nó.
Đôi khi cuộc sống dường như muốn cố tình đánh ngã bạn. Nhưng hãy đừng mất lòng tin. Tôi biết chắc chắn rằng, điều duy nhất đã giúp tôi tiếp tục bước đi chính là tình yêu của tôi dành cho những gì tôi đã làm. Các bạn phải tìm ra được cái các bạn yêu quý. Điều đó luôn đúng cho công việc và cho cả những người thân yêu của bạn. Công việc sẽ chiếm phấn lớn cuộc đời bạn và cách duy nhất để thành công một cách thực sự là hãy làm những việc mà bạn tin rằng đó là những việc tuyệt vời. Và cách để tạo ra những công việc tuyệt vời là bạn hãy yêu việc mình làm. Nếu như các bạn chưa tìm thấy nó, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng bỏ cuộc bởi vì bằng trái tim bạn, bạn sẽ biết khi bạn tìm thấy nó. Và cũng sẽ giống như bất kỳ một mối quan hệ nào, nó sẽ trở nên tốt dần lên khi năm tháng qua đi. Vì vậy hãy cố gắng tìm kiếm cho đến khi nào bạn tìm ra được tình yêu của mình, đừng từ bỏ.
Câu chuyện thứ ba của tôi là về cái chết.
Khi tôi 17 tuổi, tôi đã đọc được một câu châm ngôn như sau: Nếu bạn sống mỗi ngày đều như ngày cuối cùng của cuộc đời mình, một ngày nào đó bạn sẽ hoàn toàn tin tưởng rằng bạn đã đúng. Câu châm ngôn đó đã để lại ấn tượng rất sâu trong tôi và kể từ đó, trong suốt 33 năm qua, tôi luôn nhìn vào gương mỗi buổi sáng và tự hỏi mình: nếu ngày hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời tôi, tôi sẽ muốn làm gì và tôi chuẩn bị làm gì hôm nay? Và nếu trong nhiều ngày, câu trả lời vẫn là “không” thì tôi biết, tôi cần phải thay đổi điều gì đó.
Suy nghĩ rằng mình sắp chết chính là điều quan trọng đã động viên tôi tạo ra cơ hội lớn cho cuộc đời mình. Bởi vì tất cả mọi điều từ sự kỳ vọng của mọi người vào bạn, tất cả mọi niềm tự hào cho đến nỗi sợ phải đổi mặt với sự xấu hổ hay thất bại, tất cả sẽ biến mất khi bạn phải đổi mặt với cái chết. Khi đó, chỉ còn lại điều gì thực sự quan trọng.Ý nghĩ rằng chúng ta đang đối mặt với cái chết, khi chúng ta sắp chẳng còn gì nữa, là cách tốt nhất mà tôi biết để tránh khỏi việc chúng ta cảm thấy sợ hãi khi sắp đánh mất đi thứ gì đó.
Chẳng có lý do gì để bạn không lắng nghe sự mách bảo của trái tim mình.
Khoảng một năm trước đây tôi đã bị chẩn đoán là bị ung thư. Tôi đã chụp cắt lớp lúc 7:30 sáng và trên phim hiện rõ ràng một khối u trong tuyến tụy. Thậm chí tôi chẳng biết tuyến tụy là cái gì. Các bác sỹ nói với tôi rằng đây là một dạng của ung thư và bệnh này không chữa được, rằng tôi nên chuẩn bị tinh thần mình sẽ chỉ sống được từ 3 đến 6 tháng nữa thôi. Bác sỹ của tôi khuyên tôi về nhà và sắp xếp lại các công việc của mình, đó là cách họ nói khi khuyên bệnh nhân chuẩn bị cho cái chết. Điều đó có nghĩa là hãy về và sử dụng mấy tháng còn lại để nói với các con bạn những gì mà bạn dự định sẽ nói với chúng trong khoảng mười năm tới. Điều đó cũng có nghĩa là hãy cố gắng kín đáo để gia đình bạn có thể chấp nhận điều này một cách dễ dàng hơn. Điều đó có nghĩa là bạn hãy nói lời vình biệt.
Tất cả mọi ngày tôi đều sống với sự chẩn đoán đó. Sau đó, vào một buổi tối, tôi tiến hành kiểm tra sinh thiết, họ đút một cái ống qua cổ họng tôi, luồn sâu xuống dạ dày, sâu xuống ruột, ấn một cái kim vào tuyến tụy của tôi để lấy mẫu một số tế bào của khối u. Khi đó, tôi rất bình thản, nhưng vợ tôi, người có mặt lúc đó đã kể với tôi rằng khi các bác sỹ phân tích những tế bào đó dưới kính hiển vi, họ đã reo lên khi phát hiện ra rằng đây là một trường hợp ung thư tuyến tụy hiếm hoi có thể chữa được bằng cách phẫu thuật. Tôi đã được phẫu thuật và bây giờ tôi đã khỏe lại.
Đó là cảm giác mà tôi đã có khi phải đối mặt với cái chết và tôi cũng hy vọng tôi sẽ còn cái cảm giác đó một vài thập kỹ nữa. Khi đã từng trải qua điều đó, tôi có thể nói với các bạn một cách chắn chắn hơn là chỉ đơn thuần nhắc đến cái chết như là một điều hữu ích nhưng chỉ hoàn toàn là một nội dung mang tính trí tuệ mà thôi.
Không ai muốn chết. Thậm chí những người muốn được lên thiên đàng cũng không muốn chết chỉ vì muốn được lên đó. Và cái chết là cái đích mà tất cả chúng ta đều phải đến, không ai trong chúng ta thoát khỏi nó. Và đó là cách mà nó phải diễn ra bởi lẽ cái chết chính là sáng tạo tuyệt vời nhất của cuộc sống. Đó chính là tác nhân thay đổi cuộc sống. Nó loại đi những người già để mở đường cho những người trẻ. Ngay lúc này, các bạn đang là những người trẻ tuổi, nhưng sẽ không lâu nữa, khi các bạn tốt nghiệp, rồi trở nên già đi, và sẽ bị loại bỏ.
Tôi xin lỗi vì có vẻ như tôi hơi xúc động nhưng điều đó là sự thật.
Thời gian của các bạn là có hạn, vì thế đứng lãng phí để sống cho một cuộc đời ai đó. Đừng nhốt mình trong những tín điều nào đó, sống như vậy là sống bằng suy nghĩ của những người khác. Đừng để quan điểm của những người khác làm mờ nhạt đi quan điểm của chính bản thân bạn.
Điều quan trọng nhất là bạn hãy dũng cảm đi theo sự mách bảo của trái tim và trực giác của mình. Bằng cách nào đó, chúng biết rõ bạn thực sự muốn trở thành cái gì. Những điều khác chỉ là thứ yếu.
Khi tôi còn trẻ, có một cuốn sách kỳ lạ được xuất bản với cái tên Cẩm nang toàn thế giới, cuốn sách này giống như kinh thánh của thế hệ chúng tôi. Người sáng tạo ra cuốn sách này là Steward Brand, một nghiên cứu sinh ở Menlo Park, cách đây không xa. Anh ta đã tạo ra nó bằng cảm giác đầy tính thi sỹ của mình. Thời điểm đó là vào cuối thập kỷ 60, trước khi có máy tính cá nhân và máy tính sách tay. Tất cả cuốn sách được đánh bằng máy chữ, cắt bằng kéo và bằng máy ảnh. Nó giống như trang Google trên giấy vậy, 35 năm trước khi có trang Google. Nó thực sự mang tính duy tâm, được tạo ra từ những công cụ tinh xảo và những ý tưởng vĩ đại.
Steward và các đồng sự của ông đã xuất bản một số tập của Cẩm nang toàn thế giới và sau đó, họ xuất bản tập cuối cùng. Thời gian đó vào khoảng giữa những năm 70 và tôi chỉ bằng tuổi các bạn bây giờ. Ở trang bìa sau của cuốn sách có in ảnh một con đường vùng nông thôn trong ánh bình minh, điều mà bạn có thể tìm thấy sự an bình nếu bạn là người ưa mạo hiểm. Bên dưới tấm ảnh có dòng chữ: “Hãy luôn khao khát. Hãy cứ dại khờ”. Đó là lời tạm biệt của họ khi kết thúc cuốn sách. “Hãy luôn khao khát. Hãy cứ dại khờ”. Và tôi luôn cầu chúc điều đó cho chính mình.
Ngày hôm nay, các bạn đã tốt nghiệp và chuẩn bị bước vào con đường mới, tôi cầu chúc điều đó cho các bạn.
Hãy luôn khao khát. Hãy cứ dại khờ. (Stay Hungry. Stay Foolish)
Cảm ơn các bạn rất nhiều.
Steven Jobs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

» Cảm ơn bạn đã ghé qua blog và đọc bài viết.
» Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn hãy để lại một nhận xét.
» Nếu thấy bài viết hay hãy chia sẻ với những người quanh bạn.
» Rất cảm ơn những comment thiện ý.