++ "THÀNH CÔNG CỦA BẠN SẼ CHẲNG CÓ NGHĨA LÝ GÌ KHI BẠN CHẲNG CÓ AI YÊU THƯƠNG ĐỂ CHIA SẺ! " ++

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Lịch sử thay đổi logo của 10 thương hiệu công nghệ nổi tiếng

9 nhận xét

[IMG]
Tinhte-Có lẽ bạn đã quá quen thuộc với những logo của các thương hiệu như Apple, Microsoft, Canon, IBM… Nhưng liệu bạn có từng thắc mắc chúng hình thành và thay đổi như thế nào không? Nếu biết, có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết logo ban đầu của Apple là hình ngài Isaac Newton ngồi dưới cây táo, hoặc logo ban đầu của Nokia là một con cá, bởi công ty này từng sản xuất các thứ như xe đạp, tivi mà chẳng liên quan gì tới ĐTDĐ. Tìm hiểu về lịch sử thay đổi logo của một hãng, ta sẽ hiểu thêm về lịch sử hình thành và phát triển, cũng như thay đổi về định hướng và lĩnh vực kinh doanh của hãng đó. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm về lịch sử phát triển của 10 thương hiệu ngành công nghệ điện toán nổi tiếng nhất hiện nay.

1. Microsoft

Khởi đầu của Microsoft bắt đầu vào năm 1975, khi Bill Gates và Paul Allen hợp tác để thành lập công ty khổng lồ của ngày hôm nay, Micro-Soft là tên gọi ban đầu và dùng logo theo font chữ disco khá đơn giản, logo này tồn tại không lâu trước khi được thay thế bằng một dạng khác. Logo thay thế mới khá chân phương với chữ O chính giữa có nhiều vạch ngang, nó được dùng khá lâu, lên đến 12 năm và thậm chí có một tên gọi riêng cho mình, “Blibbet”.

Vào năm 1987, hãng đã thay thế bằng một logo mới, được thế kế bởi Scott Baker. Logo này rất quen thuộc và được sử dụng mãi đến tận ngày hôm nay, chỉ khác là theo từng giai đoạn thì Microsoft sẽ có các câu slogan khác nhau.

[IMG]

Cụ thể vào năm 1994, hãng đã thêm slogan “Where do you want to go today?”. Câu này bị châm biếm khá nhiều và sau đó hãng thay bằng nhiều slogan khác như “People Ready”, “Start Something”, “Making it Easier”…

Nhìn chung phong cách của logo vẫn giữ nguyên và Microsoft không có xu hướng quan tâm đến hiệu ứng hình ảnh mà logo mang lại như nhiều hãng khác, và thực tế với mức độ nổi tiếng cũng như ảnh hưởng của mình đối với giới công nghệ, Microsoft không nhất thiết phải sử dụng một logo đầy màu sắc hoặc bắt mắt để quảng bá cho mình.

2. Adobe

[IMG]

Adobe là một thương hiệu lớn trong lĩnh vực ứng dụng thiết kế, đồ họa; hãng này vừa tiến hành thương vụ mua lại ứng dụng mạng xã hội nổi tiếng Socialcam, và cũng như nhiều thương hiệu khác, Adobe cũng trải qua nhiều quá trình thay đổi logo của mình. Vào năm 1982, nhà lập trình John Warnock và Charles Geschke bỏ việc tại công ty Xerox và mở một công ty phần mềm riêng. Họ đặt tên nó là Adobe, đặt trụ sở tại nhà của Warnock. Sản phẩm của họ là tạo ra PostScript, một ngôn ngữ lập trình.

Khi Adobe còn non trẻ, Warnock và Geschke xoay sở khá nhiều để kiếm tiền. Những ngày đầu tiên đó họ được sự giúp đỡ rất nhiều của gia đình và bạn bè. Logo đầu tiên của hãng do chính tay vợ Warnock, bà Marva, thiết kế. Ngày nay, hình ảnh của công ty chỉ đơn giản là chữ Adobe màu đen rất đơn giản mà thôi.

3. Canon

[IMG]

Canon được xây dựng nên bởi hai anh em Goro Yoshida và Saburo Uchida vào những năm 1930, tên gọi ban đầu là Kwanon (tên một vị phật Bồ Tát), và được biết đến ở Nhật với tên Kannon. Logo đầu tiên của hãng khá phức tạp và nhiều chi tiết, tượng trưng cho ngàn tay ngàn mắt của vị Phật này. Khi công ty mở rộng quy mô vào năm 1935, họ quyết định sử dụng một tên gọi gần gũi hơn nhưng vẫn sát với tên gọi ban đầu, và Canon được lựa chọn cùng với logo mới rất đơn giản, sử dụng ngay tên gọi của công ty. Logo này được chỉnh sửa ít nhiều qua nhiều thời kỳ, nhưng vẫn giữ nguyên phong cách. Năm 1956 logo Canon đã đậm và dễ nhận biết hơn, và được sử dụng cho đến tận ngày hôm nay.

4. Apple

[IMG]

Apple sở hữu một trong những logo đẹp và có tính thẩm mỹ cao nhất trong ngành công nghệ điện toán hiện nay. Logo đầu tiên của Apple là một bức tranh thể hiện ngài Isaac Newton đang ngồi dưới gốc cây, được thiết kế bởi Steve Jobs và Ronal Wayne, với câu mô tả “Newton … A Mind Forever Voyaging Through Strange Seas of Thought … Alone”. Tạm dịch là “Newton, một trí tuệ luôn du hành xuyên các đại dương kiến thức, một mình”.

Tuy nhiên Steve Jobs lại ưa thích sự đơn giản, nên thời gian ngắn sau đó, ông thuê Rob Janoff đơn giản hóa nó đi khá nhiều, và thực sự đem lại hiệu quả thẩm mỹ cao. Logo “Táo cầu vồng” được sử dụng chính thức cho đến tận năm 1998. Về logo này có khá nhiều cách lý giải khác nhau, một số cho rằng Apple muốn lấy ý tưởng về trái táo của Newton, và có dải cầu vòng màu thể hiện ưu thế về giao diện đồ họa có màu của máy tính Apple II thời đó. Một số cho rằng vết cắn dở trên logo nhằm tôn vinh nhà toán học Alan Turing, người đã tự sát bằng cách ăn trái táo tiêm xyanua. Turing được xem là cha đẻ của máy vi tính.

Tuy nhiên Janoff trong một cuộc phỏng vấn đã nói về cách chơi chữ “bite/byte” (cắn), byte ở đây vừa có nghĩa là đơn vị cơ bản của thông tin, vừa có nghĩa là “cắn” trong tiếng Anh, do đó ông thể hiện vết cắn nhằm nhắc mọi người đây là quả táo chứ không phải quả cà chua (?!) (Nếu các bạn chưa biết thì, câu slogan thời đó của Apple là “Byte into an Apple”).

Khi Apple ra mắt máy iMac vào năm 1998, họ đã bỏ dải màu cầu vồng trong logo của mình, chỉ còn màu đen đơn sắc, và cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó, học chuyển nó về tông màu bạc quen thuộc ngày nay, thể hiện sự thay đổi về triết lý thiết kế sản phẩm của mình. Và đây cũng là logo quen thuộc nhất với tất cả mọi người, không cần màu sắc bên trong, không cần bản thân tên của hãng, chỉ cần hình quả táo cắn dở, mọi người đã biết đó là sản phẩm của hãng nào. Quả thực Apple đã thiết kế một logo có vừa có tính nhận diện, vừa mang tính nhân bản và mang tính thẩm mỹ rất cao.

5. IBM

IBM là cái tên lâu đời nhất trong ngành công nghiệp điện toán. Như các logo trên ta thấy IBM xuất phát ban đầu là The International Time Recording Company (ITR, 1888), một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí như máy ghi giờ. Sau đó vào năm 1911, ITR sát nhập với Computing Scale Company (CSC, 1891) để thành lập Computing Tabulating-Recording Company (CTRC, 1911).

[IMG]

Năm 1924, CTRC đổi tên thành International Business Machines Corporation, chính là IBM ngày nay, cùng với 1 logo mới hoàn toàn, mang xu hướng hiện đại hơn lấy cảm hứng từ quả địa cầu. Tuy nhiên IBM lúc này không giống với IBM ngày nay, IBM thời điểm này sản xuất các loại máy cân, máy xắt thịt, máy bấm lỗ…

Năm 1947, IBM quyết định đơn giản hóa logo của mình, logo mới bỏ quả địa cầu đi và chỉ gồm 3 chữ cái IBM một cách khá đơn giản và trực quan. Lúc này IBM chính thức bước vào lĩnh vực máy tính.

Năm 1956, Tom Watson Jr lên làm CEO của IBM. Ông xác định một định hướng phát triển mới cho công ty, do đó ông quyết định thay đổi logo. Paul Rand là người thiết kế logo mới, đại diện cho sự đổi mới của công ty nhưng vẫn không khác quá xa logo cũ. Kết quả là logo mới nhìn cứng cáp và cân đối hơn, nhưng vẫn không khác biệt quá nhiều so với logo năm 1947.

IBM thêm một lần thay đổi logo nữa vào năm 1972 và người thiết kế vẫn là Paul Rand. Lần này ông thêm các vạch ngang vào logo, thể hiện “tốc độ và sự năng động”. Từ đó trở đi, logo của IBM hầu như không thay đổi nữa. 

6. Google

[IMG]

Năm 1996, Larry Page và Sergey Brin, 2 sinh viên ngành khoa học máy tính đại học Stanford, đã xây dựng một engine tìm kiếm với tên gọi BackRub (chính là tiền thân của Google, engine tìm kiếm mạnh mẽ và hiệu quả nhất hiện nay), tên gọi này dựa vào khả năng phân tích các “back links” để xác định mức độ liên quan giữa các website với nhau. Sau đó, cả hai đã đổi tên engine tìm kiếm của mình thành Google, dựa trên cách chơi chữ Googol (có nghĩa là 1 và 100 số 0 tiếp theo). Năm 1998, họ thành lập Google, Inc. trong gara của một người bạn thân, khởi đầu cho một đế chế hùng mạnh về sau.

[IMG]
Giao diện Google.com năm 1998

Logo đầu tiên của Google được thiết kế bởi Sergey Brin, sau khi anh tự học một qua chương trình đồ họa miễn phí GIMP của nền tảng Linux. Vài tháng sau, một dấu chấm than (“!”) được thêm vào sau logo bắt chước phong cách của Yahoo!. Năm 1999, Giáo sư nghệ thuật của Đại học Standford, ông Ruth Kedar, đã thiết kế nên logo Google và được sử dụng đến tận ngày hôm nay.
Ngoài ra, nhằm kỷ niệm các ngày lễ, ngày sinh của các bậc vĩ nhân cũng như các sự kiện lớn, Google thường sử dụng các logo riêng gọi là Doodles (mà chúng ta sẽ thấy khi truy cập google.com thời điểm đó). Logo Doodles đầu tiên chào đón lễ hội Burning Man vào năm 1999. Cho đến bây giờ, các Doodles hầu hết được vẽ bởi Dennis Hwang.

[IMG]
Doodle xuất hiện lần đầu tiên trên google.com


7. Motorola

[IMG]

Tiền thân của Motorola là Galvin Manufacturing Corporation, một công ty được thành lập vào năm 1928 bởi Paul Galvin. Vào những năm 30 của thế kỷ 20, ông bắt đầu sản xuất radio cho xe ô tô, do đó ông đặt tên “Motorola” chỉ sự kết hợp giữa từ “motor” và một tiếp vĩ ngữ khá phổ biến lúc bấy giờ là “ola”. Sau đó Galvin Manufacturing Corporation chính thức đổi tên thành Motorola Inc. vào năm 1947. Và đổi logo vào năm 1955. Tuy nhiên đến những năm 1980 Motorola mới tham gia vào thị trường điện thoại. Hiện tại thì Motorola đã tách thành 2 bộ phận là Motorola Solutions và Motorola Mobility (nay đã thuộc Google).

[IMG]
Motorola Mobility có màu đỏ (đã bán cho Google) và Solutions màu xanh dương

8. Nokia

Không có nhiều thông tin về các giai đoạn thay đổi logo của Nokia so với các thương hiệu khác, một phần vì sự sát nhập khá nhập nhằng cũng như các giai đoạn thay đổi định hướng kinh doanh liên tục của hãng này.

[IMG]

Nokia ngày nay được thành lập từ 3 công ty độc lập là Finnish Rubber Works (cùng thương hiệu Nokia), Nokia Wood Mill và Finnish Cable Works vào năm 1967. Tên gọi Nokia trong tiếng Phần Lan có nghĩa là “Tối tăm”, và xuất hiện lầu đầu vào năm 1865. Năm 1865, Knut Fredrik Idestam thành lập một xưởng gỗ ở Tampere, Tây Nam Phần Lan. Tên gọi Nokia hình thành khi ông chuyển xưởng gỗ trên về mạn sông Nokianvirta của thị trấn Nokia.

Trước khi tập trung cho lĩnh vực viễn thông và điện thoại di động, Nokia đã từng sản xuất rất nhiều sản phẩm tiêu dùng như giấy, xe đạp, vỏ xe hơi, giày dép, ti vi, máy phát điện…

9. Palm

Palm Computing Inc. được thành lập vào năm 1992 bởi Jeff Hawkins, ông cũng chính là người tạo ra chiếc PDA Palm Pilot. Palm đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn: sản phẩm PDA đầu tiên của hãng, chiếc Zoomer là một thất bại thảm hại. Sau đó Palm được mua lại bởi công ty U.S. Robotics, hãng từng bị Xerox kiện do vi phạm bản quyền công nghệ nhận diện chữ viết tay Graffiti.

[IMG]

Sau đó U.S.Robotics bị 3Com mua lại, và Hawkins đã rời bỏ công ty của chính mình để thành lập một công ty riêng, gọi là Handspring. Điều trớ trêu là, không lâu sau khi ông rời bỏ, 3Com đã tách Palm Inc thành một công ty độc lập. Palm Inc sau đó lại tách ra làm 2 bộ phận, PalmSource (chuyên về hệ điều hành) và PalmOne (chuyên lĩnh vực phần cứng). PalmOne sau đó lại sáp nhập với chính Handspring và mua lại PalmSource để tạo thành một công ty mới, gọi là… Palm, Inc.(?)

Rất là rắc rối phải không? Vẫn chưa hết, Palm Inc hiện tại đã thuộc về HP, nhưng HP đang không cho thấy một tiến triển khả quan nào với thương vụ mua lại này và tương lai của Palm vẫn còn là một dấu hỏi chưa có lời giải. Palm không những có một lịch sử rắc rối, mà logo của họ cũng thay đổi liên tục qua nhiều giai đoạn khác nhau.

10. LG Electronics

[IMG]

LG là sự kết hợp của hai công ty độc lập: Lucky Chemical Industrial (1947), một nhà sản xuất mỹ phẩm, và GoldStar (1958), nhà sản xuất radio. Lucky Chemical nổi danh ở Hàn Quốc từ sản phẩm Lucky Cream. GoldStar thì lớn mạnh và vươn đến nhiều lĩnh vực điện tử và các thiết bị điện gia dụng.

Năm 1995, Lucky GoldStar đổi tên thành LG Electronics cùng với logo mới và slogan “Life’s Good” nổi tiếng. Tuy nhiên LG cho biết tên gọi LG không xuất phát từ “Lucky GoldStar” mà LG là một công ty thống nhất và độc lập hoàn toàn. Hãng vươn đến rất nhiều lĩnh vực từ máy tính cá nhân, các thiết bị điện tử, đồ gia dụng cho đến hóa mỹ phẩm…

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Microsoft chính thức giới thiệu Office 2013 Customer Preview, mời tải về dùng thử

0 nhận xét
[IMG]

Tinhte-Hôm nay Microsoft đã chính thức giới thiệu Office 2013 Customer Preview (tên mã là Office 15), phiên bản mới nhất của bộ ứng dụng văn phòng hiện đang được dùng bởi hàng triệu người trên khắp thế giới. Office 2013 được thiết kế để tận dụng tối đa các dịch vụ đám mây. Mặc định, những tập tin văn phòng sẽ được lưu trên SkyDrive để người dùng có thể đồng bộ hóa các tập tin và sử dụng chúng mọi lúc, mọi nơi. Những thiết lập cấu hình, thông tin và những tập tin mới sử dụng trong thời gian gần đây, template và thậm chí là cả từ điển tùy biến của người dùng cũng sẽ được đồng bộ dựa vào tài khoản Windows Live.

Office 2013 mang giao diện đặc trưng của Windows 8 với phong cách Metro UI đơn giản nhưng vẫn thể hiện đầy đủ các tính năng cần thiết. Các phần mềm mới được xây dựng để tối ưu hóa cho việc sử dụng trên các màn hình cảm ứng, giống như những gì mà Microsoft đã thực hiện với Windows 8. Khả năng làm việc với bút stylus và nhận biết chữ viết tay cũng được tăng cường so với thế hệ trước. Ở mỗi ứng dụng của Office 2013 sẽ có một nút Touch Mode để chuyển đổi sang chế độ dùng trên máy tính bảng.

Microsoft cho biết bản Office Home and Student 2013 RT sẽ được cài đặt sẵn trên mọi thiết bị dùng Windows RT (xuất hiện trên các máy tính chạy vi xử lí ARM), bao gồm Word, Excel, PowerPointOneNote. Giá cả và lịch trình phát hành Office 2013 sẽ được công bố đầy đủ hơn vào mùa thu này. Về phần các dịch vụ trực tuyến, Microsoft đưa ra nhiều gói Office 365 với đầy đủ các ứng dụng của Office 2013, đi kèm theo đó là quyền nâng cấp và sử dụng trên tối đa 5 chiếc PC. Khi không có máy tính của mình, khách hàng đã đăng kí Office 365 có thể dùng bộ Office 2013 thông qua Internet với đầy đủ các tính năng như bản bình thường. Các gói dịch vụ này bao gồm:
  • Office 365 Home Premium: thiết kế cho người tiêu dùng và gia đình. Nó bao gồm 20GB dung lượng SkyDrive và 60 phút gọi Skype miễn phí toàn cầu mỗi tháng.
  • Office 365 Small Business Premium: thiết kế hướng đến doanh nghiệp nhỏ, hỗ trộ email doanh nghiệp, chia sẻ lịch làm việc, công cụ xây dựng website và đàm thoại trực tuyến nền web độ phân giải HD.
  • Office 365 ProPlus: dành cho các khách hàng doanh nghiệp với khả năng quản lí và phân phối mạnh mẽ dựa trên điện toán đám mây.
Mời các bạn tải về Office 2013 Customer Preview ở trang web của Microsoft, yêu cầu có tài khoản Windows Live. Hãy chọn đúng bản Office 2013 32-bit hoặc 64-bit tùy theo Windows của bạn. Lưu ý: Chỉ tương thích với Windows 7 và Windows 8, không chạy được trên Windows XP, Vista.

Những thay đổi chính trong Office 2013

Microsoft Word giờ đây hỗ trợ hoàn chỉnh cho định dạng PDF, cùng với đó là tính năng Read Mode sẽ tự động điều chỉnh vùng nhìn của văn bản nhằm mang lại trải nghiệm đọc tốt nhất. Nếu người dùng có chèn video từ các dịch vụ trực tuyến như YouTube, Word hỗ trợ phát lại ngay trong ứng dụng. Chức năng Resume Reading sẽ tự động ghi nhận lại nơi cuối cùng mà bạn dừng đọc và phục hồi lại đúng ngay điểm đó khi bạn mở văn bản lên.

Excel phiên bản mới cho phép người dùng phân tích, biểu diễn số liệu đơn giản hơn. Mặc định, bảng tính sẽ được tổng hợp theo dạng pivot table để khách hàng có thể lựa chọn phương án tốt nhất cho việc hiển thị. Tính năng Flash Fill mới xuất hiện sẽ tự động học hỏi những thao tác, công thức của người dùng để rồi tự động áp dụng chúng lên phần dữ liệu còn lại. Excel 2013 cũng tự động đề nghị kiểu biểu đồ tốt nhất cho việc biểu diễn số liệu. Giao diện tùy biến các thành phần của biểu đồ cũng được làm mới theo hướng thuận tiện hơn.

PowerPoint 2013 được bổ sung tính năng Presenter View giúp hiển thị slide đang trình chiếu cũng như những slide kế tiếp, thời gian thuyết trình, ghi chú,… để hỗ trợ cho bài nói của người sử dụng. Trong lúc thuyết trình, PowerPoint cho phép phóng to, thu nhỏ, đáng dấu và điều hướng giữa các slide bằng cảm ứng hoặc bút stylus.

OneNote được đổi mới khá nhiều, có thể dễ dàng nhận thấy nhất là giao diện mang đậm phong cách Metro của nó. Các ghi chú, văn bản mà người dùng đã tạo sẽ được đồng bộ xuyên suốt nhiều nền tảng mà OneNote hỗ trợ, bao gồm Windows Phone, Windows 7/8, iOS và Android. Người dùng cũng có thể xem chúng trên Office nền web (Office Web Apps). Khả năng nhúng đối tượng từ bên ngoài đã trở nên tốt hơn. Nếu người dùng chèn một bảng tính Excel, OneNote sẽ tự động hiển thị nội dung của nó, đồng thời vẽ sẵn biểu đồ thích hợp. Khi file Excel được chỉnh sửa, OneNote cũng tự động cập nhật. OneNote mới cũng hỗ trợ bút stylus tốt hơn bản cũ và có sẵn tính năng chuyển đổi chữ viết tay thành kí tự máy tính. Ngoài bản OneNote đi kèm trong Office 2013, Microsoft cũng cung cấp ứng dụng OneNote riêng trên Windows App Store.

Outlook trong bộ Office 2013 đã hỗ trợ Exchange ActiveSync với tính năng tự động push email, lịch hẹn và danh bạ thông qua những dịch vụ email phổ biến. Thanh điều hướng mới giúp cho việc duyệt qua email, lịch được dễ dàng hơn. Nó cũng kết nối chặt chẽ với nhiều mạng xã hội, trong đó có LinkedIn và Facebook để tự động lấy thông tin. Một số tính năng mới của Outlook có thể kể đến như Peeks (xem nhanh lịch, thông tin người gửi email), People Card (xem nhiều số liên lạc trong một giao diện duy nhất), chia sẻ lịch cùng người khác.

Video giới thiệu Office 2013


Vài hình ảnh khác về Word và Excel 2013

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Nên chọn CPU 2 nhân hay 4 nhân khi mua máy tính?

3 nhận xét

[IMG]

Tinhte-Các cpu đa nhân đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường vào khoảng năm 2005. Intel là người tiên phong với những model đa nhân dành cho máy chủ đầu tiên dựa trên nền tảng x86/x86-64 của mình (dòng chip Itanium), AMD ngay sau đó đã có lời đáp trả bằng những model lõi kép Opteron vào tháng 4/2005. Intel lại nhanh chân hơn AMD khi giới thiệu chip Pentium D dành cho thị trường tiêu dùng phổ thông vào tháng 5/2005, sự kiện này được xem như là mốc khởi đầu cho cuộc cạnh tranh CPU đa nhân nhiều năm sau đó. Cuộc chiến này lan rộng trên nhiều mặt trận, từ máy tính để bàn sang máy tính xách tay, từ máy chủ qua đến smartphone và máy tính bảng. Số lượng nhân thay đổi chóng mặt, từ 2 nhân, lên 4 nhân, 6 nhân và một số chip 8 nhân đã được lên kế hoạch (kiến trúc Bulldozer của AMD). Tuy nhiên phổ biến nhất với đa số người dùng vẫn là những chip 2 nhân và 4 nhân, 6 nhân rất ít xuất hiện trên thị trường phổ thông, còn 8 nhân trở lên chỉ dành cho các hệ thống máy chủ. Vậy, câu hỏi đặt ra là, bạn nên trang bị chip 2 nhân hay 4 nhân khi mua máy tính mới?

[IMG]
Kiến trúc của chip Pentium D (2 nhân trên 2 đế riêng),
đây là CPU 2 nhân đời đầu dành cho PC

  • Tác dụng của đa nhân là gì?
Khi máy tính bạn có một CPU đa nhân, nói đơn giản máy của bạn có thể làm nhiều việc cùng một lúc (đa nhiệm), hoặc làm một việc lớn nhanh hơn bình thường, nếu ứng dụng đó được lập trình để hỗ trợ đa nhân. Khái niệm đa nhiệm rất dễ hiểu: bạn vừa có thể duyệt web, check mail thường xuyên, xử lý bảng tính Excel 20.000 ô, và các tác vụ trên đều diễn ra với tốc độ nhanh chóng, không bị trễ nãi do lần lượt chờ nhau như với các cpu đơn nhân. Khi bạn chỉ xử lý một tác vụ duy nhất, CPU sẽ phân bổ tác vụ này thành nhiều phần nhỏ hơn và chia cho các nhân cùng xử lý song song đồng thời, kết quả là công việc của bạn được xử lý nhanh hơn nhiều so với đơn nhân. Còn về tác vụ phổ biến khác của PC là chơi game, cpu sẽ phân bổ đối tượng 3D thành nhiều phần, nhiều khối, và mỗi nhân sẽ xử lý một phần đối tượng đó một cách song song, và sau đó kết hợp kết quả xử lý lại và xuất ra màn hình, rất đơn giản đúng không nào? Tóm lại, ta cứ hình dung 1 CPU đa nhân sẽ giống một quầy thu ngân, càng có nhiều nhân viên thì cùng lúc sẽ tính tiền được cho nhiều khách hàng hơn.

[IMG]
Kiến trúc của chip Intel Core 2 Quad, gồm 2 nhân core 2 duo ghép lại

  • Vậy 2 nhân với xung nhịp cao hay 4 nhân có lợi hơn?
Đây là câu hỏi mà bản thân tôi từng suy nghĩ khi so sánh 2 CPU core i7 đời đầu của laptop là i7 620M và i7 720QM. Một có 2 nhân nhưng xung nhịp cao (620M) và một 4 nhân nhưng xung nhịp thấp hơn (720QM).

[IMG]
Kiến trúc tiên tiến của chip Core i7

Nhìn chung với các tác vụ thông thường mà ta hay sử dụng hàng ngày, chip 2 nhân nhưng xung nhịp cao sẽ cho bạn cảm giác nhanh hơn so với chip 4 nhân (có xung nhịp thấp hơn), đơn giản vì còn rất nhiều phần mềm hiện nay vẫn được lập trình để tận dụng tối ưu CPU 2 nhân. Nhưng với các tác vụ nặng nề và được tối ưu cho 4 nhân thì chip 4 nhân sẽ nhanh hơn hẳn so với chip 2 nhân, dù xung nhịp có cao đến đâu (các game 3D nặng, các phần mềm biên tập phim, xử lý ảnh…)

Một ví dụ cụ thể: chip Intel Core i3 2100 (2 nhân xung nhịp 3,1GHz) trong máy tính tất cả trong một Gateway ZX6961-UB20P đạt được 2.639 điểm PCMark 7 (là ứng dụng để thể hiện năng lực làm việc thông thường hàng ngày), nhưng chỉ đạt 2.99 điểm Cinebench R11.5 (phép thử năng lực dựng hình 3D).

Trong khi đó chip Intel Core i5 2500S (4 nhân) với xung thấp hơn nhiều là 2,7GHZ có mức điểm PCMark 7 chỉ 2.190 điểm nhưng lại đạt đến 4.45 điểm CineBench. 

Điều đó chứng tỏ: với các tác vụ khá nặng và có tối ưu tốt cho đa nhân thì các cpu 4 nhân sẽ bỏ xa 2 nhân, dù xung nhịp có thấp hơn nhiều. Trong ví dụ trên, i5 2500s nhờ có bộ đệm lớn và số nhân nhiều hơn nên cho kết quả vượt trội i3 2100 trong những ứng dụng 3D nặng nề, game là một trong số đó.

  • Vậy phải lựa chọn như thế nào?
Nếu bạn đắn đo giữa 2 nhân và 4 nhân, bạn đã có câu trả lời dựa vào nhu cầu của mình: nếu bạn chỉ sử dụng cho các nhu cầu thông thường như lướt web với số tab lớn, check nhiều tài khoản email, chơi các game đơn giản như Angry Bird, chip 2 nhân sẽ đem lại trải nghiệm tốt nhất cùng với giá thành hợp lý hơn. Nếu bạn là người đam mê game 3D, chuyên dựng phim và chỉnh sửa hình ảnh, các cpu 4 nhân là lựa chọn tối ưu cho bạn, mặc dù có giá thành cao hơn nhưng nó giúp bạn tiết kiệm nhiều thời gian chờ đợi, mà cuối cùng bạn vẫn là người hưởng lợi.

[IMG]

Tuy nhiên, khi mua một chiếc máy mới, chúng ta thường có xu hướng chọn cấu hình mạnh hơn mức nhu cầu thông thường. Nhưng máy tính không chỉ bao gồm mỗi CPU, nó là sự kết hợp của nhiều thành phần khác, ví dụ CPU có nhanh tới đâu mà HDD chậm chạp, thiếu Ram… thì bạn vẫn phải chờ tải file và CPU sẽ ở trạng thái chờ, rất hao phí, đây gọi là hiện tượng “thắt cổ chai” (bottleneck). Do đó không nhất thiết phải là CPU mạnh nhất, mà hãy chọn một cấu hình cân bằng giữa CPU, mainboard, RAM, HDD/SSD và cả bộ nguồn (PSU – nếu là máy để bàn), đồng thời những thứ nhỏ khác như khả năng giải nhiệt của keo tản nhiệt và sự thoát khí của thùng máy, sẽ giúp máy bạn đạt được hiệu năng tối ưu và chạy ổn định trong thời gian dài. Cuối cùng, sự lựa chọn vẫn phụ thuộc nhiều nhất vào túi tiền và sở thích của bạn, bởi xét cho cùng, CPU 2 nhân hay 4-6 nhân cũng chỉ để phục vụ cho nhu cầu công việc, giải trí mà thôi, và nhiều hay ít nhân không quan trọng bằng sự hài lòng của chính bạn.

Nếu muốn tìm hiểu thông tin và benchmark về một model CPU nào đó, bạn có thể tham khảo ở một chuyên trang rất phổ biến là notebookcheck.net

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Microsoft thề đấu phần cứng với Apple

0 nhận xét


Tổng Giám đốc Steve Ballmer của Microsoft không hề kín tiếng về ý định của mình trước đối thủ Apple trong thời gian tới.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với CRN, Ballmer khẳng định Microsoft sẽ thách thức Apple bằng việc tập trung tích cực, quyết liệt hơn vào lĩnh vực phần cứng.

Sau khi đưa ra nhiều phát ngôn nằm trong dự đoán về những ưu thế của Microsoft trên thị trường phần mềm doanh nghiệp và tập đoàn, Ballmer tuyên bố như đinh đóng cột rằng “chúng tôi sẽ không để cho bất cứ miếng bánh nào, dù nhỏ (lọt vào tay Apple)... Không thể là đám mây người dùng. Không thể là phần mềm - phần cứng. Chúng tôi sẽ không để cho Apple tự tung tự tác nữa. Chuyện đó sẽ không xảy ra”.

“Sáng chế phần mềm – phần cứng” là cụm từ chính xác mà Ballmer đã sử dụng trong cuộc phỏng vấn, và đó chính là mặt trận mới nhất mà Microsoft lựa chọn để khai chiến với Apple.

Theo dự kiến, lần đầu tiên trong lịch sử hãng, Microsoft sẽ xuất xưởng một mẫu PC của riêng mình vào cuối năm nay, trùng với thời điểm Windows 8 lên kệ. Với tên gọi Surface, dòng máy tính bảng này sở hữu một bàn phím đầy sáng tạo, cho phép vận hành giống như một laptop đầy đủ chức năng.

Ballmer thừa nhận Apple có một lợi thế nổi trội khi kiểm soát được cả phần cứng lẫn phần mềm. Những thiết kế có sự kết hợp phần cứng – phần mềm hài hòa như iPhone và iPad đều được người dùng rất ưa chuộng.

“Hiện tại chúng tôi đang cật lực nghiên cứu để cải tiến Surface. Đó chính là trọng tâm, là cốt lõi của Microsoft trong thời gian này. Chúng ta sẽ cùng xem chuyện gì sẽ xảy ra”, Ballmer chia sẻ với CRN.

Tuy nhiên, liệu chiến lược này sẽ xử trí thế nào với các đối tác phần cứng có thâm niên của Microsoft như HP, Dell, Acer hay Asus thì vẫn còn là một câu hỏi để ngỏ. Trong cuộc phỏng vấn, Ballmer chỉ nói chung chung rằng “Chúng tôi cảm thấy mình có quyền sáng tạo ở mọi nơi và luôn sát cánh cùng các đối tác trong hành trình đó”.

Chỉ ít giờ sau đó, Steve Ballmer đã có bài phát biểu khai mạc Hội nghị Đối tác Toàn cầu (WPC) của Microsoft, tập trung xoáy vào những sản phẩm quan trọng mà Microsoft dự định giới thiệu trong năm nay, cũng như vai trò của các đối tác đối với chiến lược kinh doanh của Microsoft.
“Đây sẽ là năm ra mắt nhiều sản phẩm và dịch vụ lớn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của Microsoft, mở ra những cơ hội lớn cho các đối tác phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Với Windows – Windows 8, Windows Phone 8, Windows Server 2012, Windows Azure – và Office 365, đây sẽ là thời điểm tốt nhất với các đối tác của Microsoft. Cơ hội để triển khai những điều tuyệt vời nhất cho khách hàng chung của chúng ta đã trở nên lớn hơn bao giờ hết”, Steve Ballmer nhấn mạnh.

Trọng Cầm - Vietnamnet

Apple: Gã khổng lồ 'tự ăn thịt chính mình'

0 nhận xét

MAC248.cover.jpg

ICTnews – Con đường trở thành công ty giá trị nhất hành tinh của Apple với phương châm thiết kế sản phẩm là yếu tố hàng đầu và chiến lược tự "ăn thịt" chính mình.
Apple có giá trị thị trường đạt 619 tỷ USD vào tháng 04/2012, trở thành công ty giàu có nhất thế giới. Một số chuyên gia cho rằng con số này có thể tăng lên 1.000 tỷ USD vào thời điểm này sang năm khi Apple mở rộng hoạt động sang Trung Quốc.
Đó là một khoản tiền khổng lồ, đặc biệt với một công ty đã từng đứng bên bờ vực phá sản vào thập niên 1990. Vậy bí mật của Apple là gì?
Đặc biệt coi trọng thiết kế
Khái niệm thiết kế đã được coi trọng ở Apple từ năm 1977, khi chiếc máy tính Apple II ra đời có thiết kế dựa trên cảm hứng từ những chiếc máy pha cà phê và máy xử lý thức ăn mà Steve Jobs bắt gặp trong cửa hàng bán lẻ của Macy. Steve Jobs thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế sản phẩm càng thân thiện càng tốt.
Kể từ đó, sự thân thiện, đơn giản và dễ sử dụng đã trở thành đặc điểm chính của sản phẩm Apple, từ Lisa và Macintosh của những năm 1980, cho tới iMac của thập niên 90 và các thiết bị OS X, iOS ngày nay. Đối với Apple, thiết kế không phải chỉ để làm thiết bị trông đẹp mắt, nó phải được xây dựng ngay từ bước đầu tiên phát triển sản phẩm.
Năm 2000, Steve Jobs phát biểu trước tạp chí Fortune như sau: “Trong vốn từ vựng của hầu hết mọi người, thiết kế có nghĩa là lớp trang trí bên ngoài. Đó là vải rèm cửa và vỏ bọc ghế sofa”. Jobs và Apple, không nghĩ như vậy. Khi miêu tả iMac, Steve Jobs nói: “bản chất của iMac là máy tính tiêu dùng dễ sử dụng tốt nhất, trong đó mỗi thành phần đều ăn khớp với nhau”. Ông nhấn mạnh: “Đây là điều khách hàng trả tiền để chúng tôi thực hiện: Đổ mồ hôi hoàn thiện các chi tiết này để giúp việc sử dụng máy tính trở nên thực sự dễ dàng và dễ chịu”.
Triết lý này được áp dụng cho tất cả các loại sản phẩm của Apple. Đó là lý do Apple chỉ phát hành một số ít thiết bị thuộc mỗi loại thay vì ra ồ ạt các sản phẩm ít điểm khác biệt, đó cũng là lý do ngay cả sản phẩm giá rẻ nhất của Apple cũng được đóng gói một cách đẹp mắt, cũng như Apple thường có nhiều mẫu sản phẩm thử nghiệm nhưng cuối cùng không sử dụng.
Để lớn mạnh được như Apple, bạn cần hoạt dộng sản xuất vượt trội, chương trình tiếp thị không ai sánh bằng, khả năng nhìn trước tương lai và làm cho đối thủ phải lúng túng. Apple hiện tại có tất cả những điều này, nhưng lại chưa có vào thập niên 1990.
Trở về từ cõi chết
Steve_Jobs-580-90.jpg
Năm 1997, tại chí công nghệ Wired (Mỹ) gây chấn động khi đặt logo của Apple ở trang bìa với dòng tít chỉ gồm một từ “Pray” (có nghĩa “Cầu nguyện”). Đối thủ lớn nhất của Apple khi đó là Windows, hệ điều hành máy tính cá nhân nổi tiếng của Microsoft. Sau khi sa thải Steve Jobs năm 1985, Apple tìm cách chống trả Windows bằng cách cung cấp nhiều sản phẩm ít khác biệt mà họ hi vọng sẽ cạnh tranh với Windows. Nhưng Apple không thành công. Loạt máy tính Mac không được ủng hộ.
Tạp chí Time của Mỹ miêu tả Apple thời đó là “một trong những công ty được tổ chức tệ nhất ngành công nghiệp”. Apple bị chảy máu tiền tệ và năm 1997, cổ phiếu của công ty giảm giá chỉ bằng 12 năm trước đó. Quý 2/1997, giá trị thị trường của Apple chỉ đạt 2,17 tỷ USD, trong khi của Microsoft là 141 tỷ USD.
Năm 1996, Steve Jobs phát biểu trong chương trình Wall Street Week rằng ông nhận thấy những sai lầm tại công ty mà ông đã đồng sáng lập ra. “Apple vẫn dậm chân tại chố”, Steve Jobs nói, lập luận rằng “sự khác biệt (mà Apple tạo ra) đã dần bị xói mòn, đặc biệt khi so sánh với Microsoft. Quan trọng là phải đổi mới. Đó là cách Apple đã từng tiến tới vinh quang, và sẽ là con đường để Apple lấy lại vinh quang”.
Khi Jobs trở lại Apple năm 1997, ông đã đơn giản hóa mọi thứ, từ phạm vi sản phẩm tới số lượng chi nhánh quảng cáo, đồng thời thay đổi trọng tâm của công ty. Jobs biết rằng cố gắng cạnh tranh với PC Windows là đâm đầu vào chỗ chết, vì thế ông không cố gắng cạnh tranh trên thị trường này nữa.
Steve Jobs không muốn Apple là một nhãn hiệu tốt, mà phải là một nhãn hiệu tuyệt vời. Ông nhận ra lĩnh vực mà Apple có thể cất cánh chính là Internet và truyền thông xã hội.
Năm 1998, iMac đã thay đổi vận mệnh của Apple, trở thành máy tính cá nhân phổ biến nhất tại Mỹ. Năm 2000, tài chính của Apple được phục hồi, và Jobs nói trước tạp chí Business Week rằng: “Chúng tôi phải có được vị trí phi thường khi sự kết hợp giữa điện toán và truyền thông bùng nổ trong vài năm tới”.
Một năm sau đó, iPod ra đời. iPod không phải máy nghe nhạc MP3 đầu tiên, nhưng lại là thiết bị được yêu thích nhất. Trong khi các hãng khác thi nhau tích hợp vào thiết bị của họ mọi tính năng và tùy chọn mà họ có thể nghĩ ra, Apple giữ cho sản phẩm của mình cực kỳ đơn giảm và đẹp mắt.
iPod không chỉ quan trọng về thiết kế công nghiệp, nó còn được tích hợp chặt chẽ với iTunes. Sau đó, iTunes Music Store còn cung cấp những trải nghiệm mà các đối thủ khác, như PlaysForSure của Microsoft, không thể đem lại.
Năm 2005, hiệu ứng hào quang iPod đã trở thành một hiện tượng. Theo một nghiên cứu tiến hành năm 2005 bởi Morgan Stanley, 43% người dùng iPod nói rằng họ có cân nhắc việc mua một chiếc máy tính Mac. Thị phần của Apple trên thị trường PC tiếp tục tăng, và hiện nay họ chiến hơn 10% thị trường PC truyền thống.
Tự “ăn thịt” chính mình
“Kẻ ăn thịt người” (cannibal) là thuật ngữ chỉ một loại hình sản phẩm mới chiếm mất thị trường của một loại hình sản phẩm cũ. Cho tới nay, Apple chưa bị kẻ nào “ăn thịt”, phần lớn vì Apple tự “ăn thịt” chính mình: Steve Jobs nhanh chóng nhận ra mối đe dọa lớn nhất đối với iPod là smartphone. Thay vì bảo vệ iPod, Apple tạo ra một chiếc smartphone có tích hợp iPod. Ý tưởng này đã được thực hiện rất tốt với iPhone.
Theo ComScore, Apple chiếm 30% thị trường smartphone nước Mỹ. Còn theo Asymo.com, Apple chỉ chiếm 9% thị trường điện thoại di động toàn cầu nhưng lại thu về tới 75% lợi nhuận của ngành công nghiệp này. Chỉ riêng mảng kinh doanh iPhone cũng lớn hơn cả Microsoft.
Apple đang “hủy diệt” cả ngành công nghiệp PC. Mặc dù các đối thủ ra sức vùng vẫy, thị trường máy tính bảng vẫn bị iPad của Apple thống trị. Nếu coi iPad cũng là PC, Apple đã trở thành nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới.
Apple đã rút ra những bài học đắt giá từ “cơn bĩ cực” hồi thập niên 1990. Dưới sự lãnh đạo của Tim Cook, Apple đã đóng cửa nhà máy, nhà kho, thuê gia công sản phẩm ở nước ngoài và xóa sạch những gì mà CNN gọi là “trạng thái dã man của chuỗi cung cấp, phân phối và sản xuất của Apple”.

timcookplanttour.jpg
Tim Cook đến thăm nhà máy lắp ráp sản phẩm cho Apple tại Trung Quốc
Tim Cook không chỉ giảm hàng tồn kho và thuê sản xuất bên ngoài. Ông còn sắp xếp các thương vụ đem lại cho Apple lợi thế cạnh tranh khổng lồ. Ví dụ, khi Apple phát hành iPod nano, ông đã trả trước cho các cung cấp và mua lại một hãng sản xuất bộ nhớ Flash.
Apple ký các thương vụ tương tự về các loại linh kiện quan trọng khác, như màn hình TFT. Apple thậm chí còn giúp đỡ tài chính cho các nhà cung cấp để xây dựng nhà máy sản xuất mới. Năm 2011, Apple tuyên bố là trong 2 năm tới, họ sẽ phải dành 4 tỷ USD cho “các khoản thanh toán trước để mua linh kiện và chi phí đầu tư vào tư liệu sản xuất”. 4 tỷ USD là một khoản tiền lớn, nhưng không quá lớn đối với tài sản của Apple. Giá sản xuất thấp đem lại cho Apple lợi nhuận khổng lồ. Ngoài ra, họ còn có nguồn cung cấp đảm bảo cho các loại linh kiện quan trọng.
Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các đối thủ. Ví dụ, cho tới nay, chưa hãng nào có thể sản xuất mát tính bảng tốt bằng iPad với mức giá tương tự. Như một nguồn tin phát biểu trước tạp chí BusinessInsider, “Nếu không nhờ Tim Cook, iPad có thể có giá tới 5.000 USD”.
Liệu điều này có kéo dài? Hiện nay chắc chắn chưa xuất hiện bất kỳ lỗ hổng nào trên tấm áo giáp của Apple. Kết quả tài chính của Apple đang lớn dần lên sau mỗi quý, và trong khi các đối thủ có thể theo kịp Apple ở một số lĩnh vực, như smartphone, Apple vẫn là một nhà cải tiến, là hãng sản xuất các mặt hàng được đa số khách hàng yêu thích hơn cả.